Tía tô thường có trong các món ăn như cháo hành tía tô giải cảm , canh riêu cua ốc hay ốc om chuối đậu... hoặc ăn sống cùng các loại rau thơm khác.
Tía tô có tên khoa học là Perilla ocymoides L. hoặc Perilla frutescens L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Cây được trồng ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam để lấy lá ăn và làm thuốc. Lá tía tô mọc đối xứng, hình trứng, mép có răng cưa to, lá màu tím hoặc màu xanh gân hơi tím hung.
Trong tía tô lượng tinh dầu chiếm 0,5%, trong đó chủ yếu là perillaldehyde (55%) - chất tạo ra mùi đặc trưng của tía tô. Màu tím trong lá tía tô là do thành phần anthocyanin – một flavonid có trong nhiều loại rau củ quả có màu đỏ tím, đây cũng là chất có tính chống oxy hóa mạnh.
Tía tô tím.
Công dụng của tía tô
Theo Đông y, cây tía tô là một trong những cây có nhiều bộ phận được dùng làm thuốc bao gồm: Tô tử (hạt tía tô), tô diệp (lá tía tô), tô ngạnh (thân cành tía tô) và tử tô (toàn cây trên mặt đất).
Lá tía tô có vị cay, tính ôn, quy kinh phế và tỳ. Lá tía tô có thể dùng dạng tươi hoặc sau phơi trong bóng râm/sấy khô nhẹ để giữ lấy hoạt chất và hương vị; thường được sử dụng để làm ra mồ hôi trong trường hợp cảm phong hàn (không nên đun nấu tía tô lâu dễ làm mất tinh dầu); giải độc thức ăn do cua, cá (lá tươi giã vắt lấy nước hoặc sắc 10g lá khô hoặc nấu cùng cua, cá); trợ giúp hô hấp và tiêu hóa.
Cành tía tô có vị cay, tính ấm, là vị thuốc hành khí thường được dùng với tác dụng điều hòa hô hấp, an thai .
Hạt tía tô có tác dụng giáng khí tiêu đàm, dùng trong các bệnh khó thở như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hạt tía tô bảo vệ tim mạch.
Ứng dụng trong điều trị
Phân tích sinh học thành phần cây tía tô cho thấy các tác dụng kháng khuẩn , kháng dị ứng, chống ung thư, kháng virus , chống oxy hóa và tác dụng điều trị hen, chống trầm cảm.
Thành phần tía tô có nhiều acid phenolic, flavonoid và carotenoid nên chiết xuất từ lá và hạt tía tô đã được báo cáo có tác dụng chống oxy hóa trên thực nghiệm.
Dịch chiết tía tô có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, điều hòa miễn dịch.
Một số nghiên cứu cho thấy tiềm năng kháng ung thư của tía tô thông qua chất acid tormentic có trong cả tía tô tím và xanh. Cơ chế bao gồm việc ức chế hình thành tế bào ung thư, ức chế sự tổn thương oxy hóa DNA và sự nhân lên của tế bào (nghiên cứu trên ung thư đại tràng, ung thư gan).
Dầu hạt tía tô rất giàu các acid béo thiết yếu như acid α-linolenic (54-64%) và acid linoleic (14%), đây là những acid béo có tác dụng điều hòa cholesterol máu và bảo vệ tim mạch.