Hiệp định đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết đúng thời điểm các mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump gây tổn thất nặng nề cho ngành sản xuất tại Bắc Mỹ và châu Á. Theo Chỉ số Biến động Chuỗi Cung ứng Toàn cầu của GEP, hoạt động mua hàng trong tháng 4 giảm mạnh sau đợt tích trữ hàng hóa trước đó.
Ông John Piatek, Phó Chủ tịch Tư vấn của GEP, nhận định: “Việc tạm dừng áp thuế là tín hiệu tích cực cho các nhà sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu sản xuất tại Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng, trong khi các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh dự trữ nguyên liệu để đối phó với thuế quan.”
Dù vậy, ông Piatek nhấn mạnh rằng thỏa thuận này khó có thể xoa dịu ngay lập tức nỗi lo của các nhà sản xuất Mỹ về rủi ro dài hạn liên quan đến Trung Quốc. “Trong bối cảnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, sự bất ổn và biến động nhanh chóng đang khiến các nhà sản xuất dè dặt trong đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng,” ông cho biết.

Một góc nhìn bến container ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 23/4/2025. Ảnh: Reuters
Chỉ số Biến động Chuỗi Cung ứng Toàn cầu của GEP, dựa trên khảo sát hàng tháng từ 27.000 doanh nghiệp, phản ánh các yếu tố như nhu cầu, thiếu hụt nguồn cung, chi phí vận chuyển, tồn kho và đơn hàng tồn đọng. Ông Piatek cảnh báo: “Những tác động đầu tiên của cuộc chiến thuế quan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất toàn cầu. Nếu đình chiến không được kéo dài sau 90 ngày, chiến tranh thương mại có thể leo thang, đẩy chuỗi cung ứng vào tình trạng tồi tệ hơn.”
Dữ liệu ghi nhận xu hướng tích trữ hàng tồn kho mạnh mẽ tại Bắc Mỹ trong tháng 4, với tốc độ được mô tả là “đáng báo động”. Đồng thời, các nhà sản xuất bắt đầu nhận thấy dấu hiệu nhu cầu giảm và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Tại châu Á, hoạt động mua hàng của các nhà sản xuất yếu nhất kể từ tháng 12/2023.
Trong bối cảnh đó, châu Âu nổi lên như một điểm sáng khi suy thoái công nghiệp dần kết thúc. Đức và Pháp ghi nhận tăng trưởng trong năng lực chuỗi cung ứng, dù ông Piatek cảnh báo xu hướng này có thể đảo ngược nếu thương mại toàn cầu xấu đi. Riêng tại Anh, quốc gia vừa ký thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ, hoạt động sản xuất suy giảm nghiêm trọng, chạm mức thấp kỷ lục trong hai thập kỷ.
Dữ liệu từ GEP cũng cho thấy năng lực dự phòng trong chuỗi cung ứng châu Á tăng lên, đặc biệt tại Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.
Ông Stephen Edwards, Giám đốc điều hành Cảng Virginia, chia sẻ với CNBC rằng nếu chuỗi cung ứng toàn cầu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển hướng sang Đông Nam Á, Nam Á hoặc châu Âu, cảng này đã sẵn sàng đón đầu cơ hội.
“Bốn năm qua, chúng tôi ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất từ tiểu lục địa Ấn Độ, tiếp theo là Việt Nam và châu Âu. Thương mại với Trung Quốc không tăng trưởng, nhưng vẫn là khối thương mại lớn thứ hai sau EU. Dù môi trường thương mại thay đổi thế nào, chúng tôi tin mình đang ở vị trí thuận lợi,” ông Edwards khẳng định.