ĐBSCL giữ vai trò quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và kinh tế - xã hội. Với số dân gần 18 triệu người, diện tích gần 4 triệu ha, chiếm 12% tổng diện tích cả nước, đất đai màu mỡ, ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và thủy sản.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển Vùng. Góp phần vào sự phát triển của ĐBSCL còn phải kể đến vai trò quan trọng của hệ thống Ngân hàng. Thời gian qua, một lượng lớn vốn tín dụng ngân hàng đã được đưa vào đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tiếp tục mở rộng ngành nghề, khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của vùng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo nông thôn, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.
Như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) đã và đang triển khai những chiến lược đồng bộ đồng hành cùng người dân, chính quyền địa phương tại khu vực này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngân hàng này đã có chương trình tín dụng dành riêng cho khách hàng xuất nhập khẩu tại đây như cấp hạn mức không tài sản bảo đảm, tăng tỷ lệ cấp tín dụng tối đa trên tài sản bảo đảm...
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), hàng năm, ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn/năm. ABBANK cũng đã có gói Tài trợ xuất khẩu trước/sau giao hàng; Chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu theo phương thức nhờ thu/LC đối với sản phẩm tài trợ xuất khẩu. Gói phí chuyển tiền quốc tế, gói Phí tài trợ thương mại (LC/nhờ thu) dự kiến ra mắt trong thời gian tới có mức giảm lên tới 50 - 60% so với biểu phí thông thường.
Ngân hàng này cũng đang chuẩn bị triển khai gói ưu đãi lãi suất với tổng hạn mức lên tới 350 tỷ cho khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. ĐBSCL là nơi sản xuất chính nông sản của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, ABBANK tài trợ hợp đồng xuất khẩu và thu mua dự trữ lúa, gạo. Bên cạnh đó, chính sách dành cho khách hàng lĩnh vực xây lắp, thi công gói thầu/dự án vốn ngân sách nhà nước/ODA/Doanh nghiệp nhà nước có mức tài trợ lên đến 85% nhu cầu, nhận tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ…
Mặc dù có vị trí quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Song, hiện nay, khu vực này phải đối mặt với biến đổi khí hậu; suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; nguy cơ xói lở bờ sông, sụt lún đất, hạn hán, xâm nhập mặn và nhiều yếu tố bất định khác ảnh hưởng đến kinh tế sông của vùng.
Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có đặc biệt chú trọng "Phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu."
Vừa qua, chương trình Tết An Bình 2023 do ABBANK khởi xướng đã trao tặng 10.000 cây đước và cây phi lao tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Đây là huyện có đường bờ biển kéo dài nên có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, tình trạng sạt lở khu vực ven biển, cùng với thời tiết diễn biến ngày càng bất thường khiến cho nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày mà cả những khía cạnh của cuộc sống đặc biệt là phát triển kinh tế.
10.000 cây xanh được trồng xuống góp phần ngăn chặn thiên tai, bão lũ và giảm thiểu các tác hại của việc xâm lấn đất liền tại khu vực này. Hệ thống rừng ngập mặn ven biển cũng đồng thời làm phong phú cho hệ thực vật ven biển, giúp ổn định nguồn sinh kế chính của người dân nơi "đầu sóng ngọn gió".
Tết An Bình 2023 cũng trao tặng 25 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng/suất cho 25 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 2 xã Phú Tân và Tân Thới của huyện Tân Phú đồng; và hơn 5km đường ống nước sạch (nước máy) cho các hộ dân 2 xã này, góp phần giảm bớt khó khăn của tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt là trong mùa hạn mặn.
Không chỉ có các giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tại ĐBSCL, ABBANK còn song hành cùng địa phương chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu của khu vực này và hỗ trợ sinh kế cho người dân theo định hướng của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: "Tặng cây xanh để hỗ trợ lợi ích kinh tế và bảo vệ cuộc sống cho người dân ở những khu vực cần sự giúp đỡ là món quà thiết thực và hướng đến lợi ích lâu dài đối với sự phát triển của một địa phương. Cho đến nay ABBANK đã duy trì hoạt động này được ba năm liên tiếp theo lời kêu gọi của chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng sự chung tay này sẽ góp phần lan tỏa điều tốt đẹp đến với cộng đồng không chỉ bằng những thông điệp suông".