Mới nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm từ ngày 14/9.
Cụ thể, Agribank đã giảm 0,2 – 0,3 điểm % lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Ở kỳ hạn 1 tháng, Agribank duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 3%/năm như trước. Với kỳ hạn 3 tháng, khách hàng sẽ chỉ còn nhận được lãi suất 3,5%, giảm 0,3 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất được hạ xuống còn 4,5%, giảm 0,2 điểm %. Ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này đã đưa lãi suất tiền gửi từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức điều chỉnh 0,3 điểm %. Ở kỳ hạn 13 tháng - 24 tháng, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 5,5%/năm.
Ngân hàng Vietcombank giảm mạnh lãi suất tiết kiệm từ 14/9
Cùng với Agribank, Vietcombank cũng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm từ ngày 14/9. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất hiện nay của Vietcombank chỉ còn 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Mức lãi suất này đã giảm 0,3 điểm % so với trước.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại quầy cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên 3%/năm.
Đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng của ngân hàng cũng giảm 0,3 điểm % xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4,5%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Sau Agribank và Vietcombank, dự kiến “ông lớn” khác trong nhóm Big 4 cũng sẽ sớm thông báo biểu lãi suất huy động mới, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,5%/năm.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành và suốt từ đầu tháng 4 tới nay, các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, trong tháng 8/2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm 0,5 điểm % so với cuối tháng 7 về mức 5,9%/năm (giảm gần 2 điểm % so với đầu năm 2023).
Dù các ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm thời gian qua nhưng dòng tiền chủ yếu gửi tiết kiệm trong khi nhu cầu vay vốn giảm.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái. So với tháng 5, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỷ đồng. So với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.
Thế nhưng trái ngược với dòng tiền người dân gửi vào ngân hàng liên tục tăng, dòng tiền cho vay của các ngân hàng lại chậm lại khiến tăng trưởng tín dụng thấp nhất 10 năm trở lại đây. Cụ thể, số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Nhu cầu vay giảm, huy động vốn vẫn tăng khiến các ngân hàng thương mại tồn kho một lượng tiền rất lớn. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương 1 triệu tỷ đồng.
Hiện lãi suất trong xu hướng giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng bởi tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền; do đó, ngân hàng không đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp. Để thúc đẩy tín dụng, trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân nhưng cũng không đơn giản do vướng nhiều quy định.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện giúp cho lãi suất đi vay hạ dần, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.