Xã hội

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sản xuất, tiêu thụ trong bối cảnh biến động thương mại

Tóm tắt:
  • Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương ứng phó chính sách thuế quan biến động nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
  • Bộ Nông nghiệp cần tăng cường sản xuất bền vững, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, đồng thời xây dựng thương hiệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc.
  • Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu chính sách thuế, cải cách thủ tục và duy trì tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngành nông nghiệp.
  • Địa phương tăng cường kiểm tra chống gian lận xuất xứ, sử dụng chất phụ gia an toàn và xử lý nghiêm các vi phạm thị trường.
  • Doanh nghiệp cần theo dõi chính sách thương mại toàn cầu, đầu tư vùng nguyên liệu, kho lạnh và công nghệ chế biến để thích ứng linh hoạt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 59 ngày 8/5 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.

Công điện nêu rõ thời gian gần đây, đặc biệt trong thời gian tới tình hình thương mại toàn cầu có thể biến động mạnh do thay đổi chính sách thuế quan của một số quốc gia, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nói chung và sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản nói riêng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây cũng là cơ hội để các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để sản xuất theo hướng bền vững.

Thủ tướng ra Công điện về ổn định sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại. (Ảnh minh hoạ).

Thu mua tạm trữ các mặt hàng như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu...

Tại Công điện số 59, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm để bảo đảm nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp phù hợp để bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bền vững, đồng thời phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, nhất là đối với các ngành hàng có nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ cao.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên nghiên cứu ứng dụng phục vụ bảo quản, chế biến sâu, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị cao (như tôm, cá tra, trái cây tươi) để chuyển từ xuất khẩu thô sang các sản phẩm tinh chế, đồ hộp phục vụ xuất khẩu và thị trường nội địa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu phương án hỗ trợ thu mua tạm trữ đối với một số mặt hàng có nguy cơ rớt giá tại thời điểm thu hoạch rộ, nhất là lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạn chế ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Đề xuất chính sách thuế phù hợp

Để góp phần giảm chi phí tuân thủ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản trong nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu, rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, triển khai các chính sách giãn, hoàn thuế, tiền thuê đất theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế phù hợp, nhất là đối với hàng hóa nông lâm thủy sản chịu tác động do bất ổn thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới thay thế.

Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo duy trì và nghiên cứu mở rộng gói tín dụng ưu đãi đối với ngành nông, lâm, thủy sản; tiếp tục cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo điều kiện bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Không để bị động trước biến động chính sách của các nước nhập khẩu

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, phòng chống gian lận, đội lốt xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, khắc phục tình trạng sử dụng hóa chất có hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng nông sản Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp gian lận xuất xứ, lợi dụng ép giá, thông tin nhiễu loạn, thao túng gây mất ổn định thị trường.

Về phía các doanh nghiệp, cần theo dõi sát thông tin diễn biến thương mại toàn cầu, nhất là chính sách thuế quan của một số thị trường truyền thống để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm chủ động thích ứng với biến động của thị trường; thường xuyên nắm bắt chủ trương nhập khẩu nông sản của các nước để tránh bị động trước các biến động chính sách của quốc gia nhập khẩu;

Đồng thời, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho lạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu; tăng cường mua dự trữ nông sản, thủy sản, nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ để hỗ trợ tiêu thụ cho người dân và phục vụ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các tin khác

Khi các hãng hàng không bán ‘hàng xén’ thu tiền tỷ

Bán vé máy bay kèm sớ cúng, đồ lễ; bán trà sữa; bán đá lạnh… là những món hàng tưởng chỉ có tại các chợ truyền thống, nhưng nay được nhiều hãng hàng không thực hiện. Điều đáng nói, doanh thu từ “tiệm tạp hóa trên mây” không nhỏ chút nào.

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

The Aspira – Khởi nguồn năng lượng sống giữa tâm mạch thành phố trẻ Dĩ An

Trong bối cảnh Bình Dương, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập trở thành siêu đô thị và làn sóng thế hệ trẻ đang định hình diện mạo mới cho thị trường bất động sản, The Aspira ra đời mang theo tuyên ngôn sống năng lượng, là mảnh ghép hoàn hảo giữa vùng kinh tế giàu sức bật và sôi động sức trẻ tại Dĩ An, Bình Dương.

Thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý điện tại 18 tỉnh thành phía Nam

Nhằm đảm bảo công tác sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện không bị gián đoạn khi chính quyền cấp huyện kết thúc hoạt động, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa quyết định thí điểm giải thể 18 điện lực quận/huyện, đồng thời thành lập 18 Đội quản lý Điện lực trực thuộc 18 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố trên địa bàn quản lý.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy các động lực mới để đạt tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Các doanh nghiệp có vốn của SCIC đứng trước một năm 2025 bận rộn.

Prestige: Giải mã sức hút đằng sau những không gian sống "chất" và khác biệt

Trong nhịp sống hiện đại, mỗi không gian sống không đơn thuần chỉ là nơi trú ngụ mà còn phản ánh rõ nét gu thẩm mỹ, cá tính và phong cách sống của từng cá nhân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những ý tưởng và kỳ vọng đó, khách hàng luôn cần một đối tác thấu hiểu, đủ tinh tế để lắng nghe và đủ tận tâm để đồng hành lâu dài.