Xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội

Sáng 7-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa dự án tuyến Đường sắt đô thị thí điểm của TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và có cuộc làm việc xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính di chuyển trên tàu từ ga S8 về Depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại Depot - Ảnh VGP

Cùng đi với Thủ tướng có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Thủ tướng đã đi kiểm tra thực địa tại ga S9 - Kim Mã, sau đó di chuyển trên tàu từ ga S8 về Depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại Depot này.

Sau khi kiểm tra thực địa, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội để nghe báo cáo, xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội  - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính di chuyển trên tàu từ ga S8 về Depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại Depot - Ảnh VGP

Dự án đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỉ đồng, được UBND TP Hà Nội khởi công vào tháng 9-2010, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.

Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km.

Khi đi vào vận hành chính thức, tuyến sẽ vận hành với tốc độ khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ và có 8 đoàn tàu cùng hoạt động, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.

Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Hiện, chủ đầu tư đang trình UBND TP Hà Nội xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án.

Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11-2021, đoạn tuyến trên cao của dự án cần được hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 12-2022; và điều chỉnh khuôn khổ đầu tư dự án cho phép tiếp tục xây dựng phần ngầm sau năm 2022.

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Chính sách bán hàng trực tiếp của ngân hàng: Kém sang hay xu hướng của tương lai?

Khi nói đến môi trường ngân hàng, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những nhân viên công sở quần là áo lượt, ngồi điều hòa mát lạnh. Thế nhưng, câu chuyện đó đã trở thành... "xưa như Diễm" với hệ thống ngân hàng ngày nay. Giờ đây, nhân viên nhiều ngân hàng cũng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" như nhân viên tiếp thị của bất cứ ngành nghề nào khác.

KienlongBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4.231 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) tăng vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Đồng thời, HOSE thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của KienlongBank.