Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trước phiên họp đã báo cáo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe tới các đại biểu dự họp; sau cuộc họp sẽ báo cáo lại và tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư.
Thủ tướng nhấn mạnh phiên họp có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Nhiều yếu tố bất lợi nhưng kinh tế phục hồi rõ nét
Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới ba điểm nổi bật: Đó là cạnh tranh chiến lược gay gắt hơn, xung đột tại một số khu vực tiếp tục diễn ra; giá USD, vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số ngày càng tác động nặng nề tới các quốc gia, nền kinh tế, nhất là nắng nóng, hạn hán…
Trong nước, nền kinh tế chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Theo Thủ tướng, bối cảnh thời gian qua tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Tuy vậy, nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, giúp mang lại nhiều kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm.
Tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt, đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Cùng đó, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 700.000 tỉ đồng để thực hiện tăng lương từ ngày 1-7 và đưa ra giải pháp phù hợp để vừa thực hiện nghị quyết 27 của Trung ương theo lộ trình, vừa phù hợp điều kiện, tình hình đất nước và yêu cầu bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng được thụ hưởng.
Bộ ngành địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; tình hình cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Vì vậy ông đề nghị trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn cần phân tích sâu về những mặt được, chưa được, rút ra các bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những vướng mắc, điểm nghẽn. Đặc biệt là những vướng mắc về pháp lý, có giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả cho thời gian tới để khắc phục các khó khăn, bất cập, tiếp tục phát huy khí thế đang có, giữ đà phát triển để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xác định "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" để kiểm tra, đánh giá, phê bình, khen thưởng phù hợp.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% cho cả năm
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ sự đồng thuận cao với các báo cáo và đặc biệt phấn khởi về kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của thành phố.
Trong nửa đầu năm 2024, kinh tế - xã hội TP.HCM đạt kết quả khả quan với tăng trưởng GDP đạt 6,46%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,8%, xuất khẩu tăng 13,1%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%. Thu ngân sách đạt 55,7% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa - xã hội, đối ngoại, quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Thành phố đang tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và thành phố, với danh mục 50 công trình trọng điểm. Hồ sơ quy hoạch thành phố cơ bản đã hoàn tất, đang trình Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng phê duyệt. Các cơ chế chính sách theo Nghị quyết 98 của Quốc hội đang được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng quý 2 thấp hơn mức trung bình cả nước, thu hút đầu tư FDI giảm 19,5%, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 14,3%, và tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 28,3%.
Trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ tập trung cao độ vào các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư và tiêu dùng. Thành phố đang cập nhật kịch bản tăng trưởng, xác định các giải pháp đột phá, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7-7,5%.
Các ưu tiên bao gồm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, tăng hấp thụ vốn với mục tiêu huy động tổng vốn toàn xã hội 394.000 tỉ đồng. Thành phố cũng đang chuẩn bị triển khai 4 luật mới từ ngày 1-8, tập trung vào kinh tế số, nhà ở xã hội và các công trình trọng điểm.
Đặc biệt, TP.HCM đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ và Bộ Chính trị để trình Quốc hội thông qua nghị quyết về dự án đường sắt đô thị, đường Vành đai 4 và Trung tâm Tài chính Quốc tế.
Ông Phan Văn Mãi, cũng đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành, bao gồm việc sớm ban hành các nghị định liên quan, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cũng như có ý kiến về gói vay số 4 cho dự án metro số 1. Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo về việc kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam.
Duy trì đà tăng trưởng, khả năng GDP tăng vượt mục tiêu
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức tăng trưởng 6 tháng đạt 6,42%, nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).
Cũng bởi, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực, trong khi động lực tăng trưởng phía cầu cũng có sự phục hồi. Trong đó, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân đạt khoảng 10,8 tỉ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng... được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, nhất là xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng tăng 10,8%, tồn kho giảm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm, thuộc mức điểm cao nhất từ năm 2020.