“Con còn nhớ như in tuổi thơ, chiều nào con cũng đứng chờ ở cửa sắt nhà Hàm Nghi mong xe về, mong bố về, mong mẹ về.
Mẹ làm lơ xe, bố làm tài xế. Lúc ấy mình chỉ có một chiếc xe 16 chỗ. Ngày nào xe bị hư là con mừng lắm, con xin leo lên xe ngủ. Bố mở cốp hay chui xuống gầm xe sửa xe, con lăng xăng cầm đèn pin. Mùi của bố là mùi xe, mùi nhớt, mùi dầu, mùi bụi...”, con gái ông Lê Đức Thành mở đầu bức thư tiễn biệt bố được đăng trên fanpage Facebook của hãng xe khách Thành Bưởi.
Trước đó vào ngày 5/9, ông Lê Đức Thành – nhà sáng lập hãng xe Thành Bưởi – đã từ trần tại TP.HCM sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 68 tuổi. Ông xuất thân là lính lái xe Trường Sơn, sau này thành lập Công ty TNHH Thành Bưởi ghép từ tên mình và tên vợ. Được biết, bà Nguyễn Thị Bưởi – vợ của ông Thành – là người đại diện pháp luật cho công ty kể từ cuối tháng 8/2024.
Dù chỉ học hết lớp 7/10, không có kiến thức sách vở về kinh doanh, nhưng ông Thành đã gom hết vốn liếng để thành lập công ty vào tháng 3/2000, dần dần đưa Thành Bưởi trở thành thương hiệu nổi danh khắp thị trường xe khách miền Nam.
“Bố nói với con gái, bố mẹ sẽ mở công ty ở Sài Gòn. Bố mẹ sẽ chạy lại xe khách, sẽ tiên phong làm thử ở miền Nam cho xe chạy suốt, chạy đúng giờ, không đón khách dọc đường, không nhồi nhét khách. Mới mười mấy tuổi, bố nói gì cũng dạ, chứ con cũng không hiểu lắm cách làm ăn, cách chạy xe.
Trong đầu bố không bao giờ ngừng có kế hoạch, ngừng có dự định. Việc này chưa xong bố đã nghĩ ra việc khác. Bố ham học hỏi, lạc quan, tích cực. 40 năm làm con của bố, con chưa một lần nào thấy bố buồn bã, chưa một lần nào nghe bố than vãn khó khăn, mệt nhọc, đau ốm.
Bố bảo: Việc dễ thì làm nhanh, việc khó thì làm lâu, phải nhẫn nại, việc gì cũng dễ thì người ta làm hết rồi”, bức thư của con gái ông Thành có đoạn.
“Bố mẹ lấy nhau năm 1983 và năm 1987 mới có chiếc xe 16 chỗ riêng đầu tiên. Thời xa xưa ấy bạn hàng nào cũng thích đi xe có bố chạy, được bố đón, được bố chất hàng. Hàng của khách là hàng của bố, bố chở khách như chở người thân.
Khi còn trẻ, con cũng lẫy vì mỗi bữa cơm bố đều nói về xe, về khách, về hàng hóa. Nhiều lần con nói bố ơi, bố bỏ số điện thoại bố ra khỏi đường dây nóng đi, để tổng đài nghe. Bố nói không được, bố phải nghe khách phản ánh cái gì để mà sửa sai, chỉ mỗi nhân viên nghe thì mình xa rời công việc, không còn biết chuyện gì sai đang diễn ra.
Khi có tuổi rồi thì con hiểu, con là con của bố, nhưng khách hàng, hàng hóa, xe là sự sống của bố, thiếu một trong các thứ ấy bố sẽ chết”, người con hồi tưởng lại.
Cũng theo lời kể của cô, ông Thành luôn quan tâm nhân viên, bao dung và rộng lượng, dù bận bịu vẫn đến tận nhà người quen để cho thuốc chữa bệnh. Ngày nào ông cũng ăn cơm nhà nấu, đợi vợ về ăn cơm, chỉ cho các con cách làm việc nhà, dạy lễ nghi phép tắc.
“Con tự hào về bố. Cả gia đình mình tự hào về bố. Con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra các em con và con. Cảm ơn bố đã cống hiến cả cuộc đời chỉ làm những điều tốt và đẹp”, bức thư kết lại.