Không chỉ giỏi trong kinh doanh, đàm phán mà người Nhật còn được cả thế giới biết đến với các cách tiết kiệm độc đáo, khiến mọi người phải tròn mắt thán phục. Và đó là bí quyết làm giàu mà ai cũng muốn học hỏi.
Do hạn chế tài nguyên thiên nhiên cùng với điều kiện sinh tồn và phát triển quá khắt khe, người dân xứ hoa anh đào đã sớm hình thành thói quen tiết kiệm và họ sẵn sàng chi 17-20% thu nhập cho việc này. Họ cho rằng đây là phương pháp để sống có ích, hiệu quả và an toàn hơn trong tương lai.
Mặc dù là một quốc gia hiện đại, tiện nghi nhưng người Nhật không khoe khoang tiền bạc, không phô trương sự giàu có. Ảnh: Internet
Dưới đây là 5 cách tiết kiệm cực thông minh và hiệu quả được người Nhật áp dụng:
Tiết kiệm thời gian
Người Nhật quan niệm rằng thời gian chính là tiền, chỉ cần tiết kiệm càng nhiều thời gian thì đất nước và bản thân sẽ ngày một giàu có. Chính vì lý do này mà người Nhật luôn nổi tiếng trong việc "chơi ra chơi, làm ra làm" lúc nào cũng đạt năng suất cao nhất, để không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ.
Người Nhật sử dụng các phát minh khoa học hiện đại, tiên tiến của mình vào công việc, giúp họ nâng cao hiệu suất lao động và tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Tàu cao tốc phát triển ở Nhật Bản cũng để phục vụ mục đích "tiết kiệm thời gian" của họ.
Đầu tư vào thế hệ sau
Thay vì cho con thừa kế tài sản, người Nhật lại đầu tư nhiều cho con cái về kiến thức, trải nghiệm xã hội cũng như truyền đạt kinh nghiệm kiếm tiền. Ảnh: Internet
Mặc dù tỷ lệ người Nhật kết hôn và có con ngày càng thấp, thế nhưng với những gia đình quyết định có con thì 1/2 thu nhập của họ đều dành cho con cái. Thuế thừa kế tại Nhật Bản khá cao nên phụ huynh Nhật không vung tiền mua sắm làm của hồi môn. Thay vào đó họ lại đầu tư nhiều cho con cái về kiến thức, trải nghiệm xã hội cũng như truyền đạt kinh nghiệm kiếm tiền để thế hệ sau không nghèo khó. Nhờ vậy, không chỉ họ giàu mà con họ giàu, đời này qua đời nọ đều giàu.
Giảm thiểu những thứ không cần thiết
Người Nhật luôn cố gắng giảm thiểu lượng thịt trong khẩu phần ăn mỗi khi có thể. Họ cho rằng ăn nhiều thịt không tốt cho sức khỏe mà lại tốn kém. Do đó, nhiều gia đình chỉ ăn thịt 3-4 ngày/tuần còn lại là ăn rau. Thậm chí họ còn tự trồng rau củ tại nhà.
Đây cũng là một kiểu tiết kiệm của người Nhật. Cách tiết kiệm này được hình thành từ thói quen yêu thiên nhiên, vừa giúp họ tiết kiệm một khoản chi tiêu cho thực phẩm, vừa đảm bảo sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, thói quen ăn cá và rau theo mùa được xem là quan trọng nhất trong bữa ăn của người Nhật chứ không phải thịt.
Ngoài ra, những căn hộ tại Nhật đều được bài trí 1 cách logic. Tất cả những vật dụng đều có kích thước nhỏ để phù hợp với căn hộ, không hề có những đồ "thừa" bên trong căn nhà. Thêm vào đó, những thiết bị gia dụng, điện tử cũng được giữ gìn cẩn thận để kéo dài tuổi thọ sử dụng. Nhờ đó mà có những thứ đồ đạc cũ tại Nhật trông chẳng khác gì đồ mới, họ giữ gìn quá tốt đồ đạc của mình.
Phương pháp Kakeibo
Kakeibo được xem là cách tiết kiệm nổi tiếng nhất của người Nhật khiến cả thế giới phải thán phục. Ảnh: Internet
Với người Nhật, họ chi tiêu tiền bạc rất thông minh mà chẳng cần chuyên gia tài chính hay phần mềm. Thay vào đó, họ quản lý chi tiêu chỉ bằng một chiếc bút và cuốn sổ Kakeibo- "sổ cái tài chính gia đình", được Hani Motoko – nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản sáng chế ra vào năm 1904. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết tay mọi thứ như một cách ngẫm nghĩ để bạn điều khiển và quan sát thói quen chi tiêu.
Cuốn sổ này được thiết kế để thiết lập mục tiêu tài chính, đặc biệt là tiết kiệm. Nhờ Kakeibo, người Nhật có thể kiểm soát sổ tiết kiệm và lên kế hoạch cho tương lai.
Bên cạnh đó, muốn tiết kiệm hiệu quả, chúng ta phải cam kết đặt câu hỏi đúng đắn trước khi "xuống tay" mua bất cứ vật dụng nào. Dưới đây là 5 bí quyết dựa trên nghệ thuật tiết kiệm Kakeibo:
- Cân nhắc trong 24h: Việc này sẽ cho bạn biết rõ được liệu bạn đang muốn hay đang cần vật đó. Nếu hôm sau bạn vẫn nghĩ tới sản phẩm đó và có đủ khả năng chi trả thì hãy mua nó.
- Đừng để những cuộc "đại hạ giá" cám dỗ: Đối với mỗi vật phẩm trong giỏ hàng khi đợt sale diễn ra, hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có mua mặt hàng này khi nó không được giảm giá hay không.
- Thường xuyên kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng: Kiểm tra số dư tài khoản cho bạn cảm giác như đang kiểm soát tốt hơn tài chính cá nhân, vì nó khiến bạn tập trung vào số tiền bạn phải chi ra.
- Tiêu tiền mặt: Dùng tiền mặt thay vì quẹt thẻ sẽ giúp bạn ý thức hơn về những vật phẩm bạn đang chi tiền vào, nhờ đó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc quản lý ngân sách. Bạn có thể thử bằng cách lấy ra một lượng tiền mặt để dùng trong một tuần, và chỉ tiêu trong phạm vi đó.
- Để những tờ giấy nhớ ghi lời nhắc nhở vào ví.
Tủ đựng đồ Getabako
Tủ đồ đặc biệt của người Nhật, vừa có thể lưu trữ cũng như tiết kiệm tiền, vừa có thể nâng cao tri thức qua các câu đố. Ảnh: Internet
Getabako không chỉ là một chiếc tủ đựng đồ bằng gỗ thông thường. Những chiếc tủ đựng đồ này rất chắc chắn, vì chúng được làm từ những cây gỗ to khỏe trong rừng sâu ở Nhật Bản. Ngay cả khi bạn dùng một chiếc búa đập vào, chiếc tủ này cũng không thể bị hỏng. Một điều kỳ lạ ở những tủ khóa này là bạn không cần chìa khóa để mở chúng. Muốn mở, bạn cần phải vượt qua trò chơi giải đố mà chủ nhân đã đặt ra tại các ngăn tủ.
Cơ chế này sẽ ngăn không cho người lạ mở tủ khi không có sự cho phép của chủ sở hữu và rất an toàn cho tài sản. Tuy nhiên, chiếc tủ này cũng mang lại rủi ro khi chủ nhân quên mẫu câu đố và có thể dẫn đến việc mất tiền.
Thông thường ở Nhật Bản, chủ sở hữu phải mở tủ hàng năm để xác định được tổng số tiền tiết kiệm được trong năm đó. Với điều này, họ có thể lập kế hoạch tốt về số tiền sắp rút ra và sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.
Cuối cùng, chúng ta cũng có thể hiểu được người Nhật thông minh như thế nào khi tiết kiệm tiền. Họ thích giữ tiền bên mình hơn là việc gửi và tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng!
Không chỉ là quốc gia giàu mạnh về kinh tế mà người Nhật còn luôn tự hào về truyền thống tiết kiệm của mình. Vì nó không chỉ đảm bảo chất lượng đời sống của họ mà còn đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước.