Chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến phân loại đô thị , tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC), sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc ban hành nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm bớt thời gian hoàn thiện các bước; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện các hồ sơ về quy hoạch đô thị, đánh giá chất lượng đô thị.
Dự thảo nghị quyết quy định áp dụng đối với ĐVHC thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã được đưa vào phương án tổng thể và đã được lấy ý kiến của cử tri và HĐND cấp tỉnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, với việc ban hành nghị quyết, số lượng các đơn vị hành chính đô thị đủ điều kiện thực hiện sắp xếp dự kiến sẽ hỗ trợ được khoảng hơn 30 thị trấn, 8 phường và 1 thành phố.
Theo ông Nghị, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2019-2021 đã bộc lộ một số nội dung bất cập. Do đó, việc thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030 thực hiện nghiêm túc yêu cầu đánh giá phân loại đô thị, làm cơ sở cho sắp xếp.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này là phù hợp, bởi đây thực chất là các giải pháp bổ sung so với Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để áp dụng cho một số trường hợp rất cụ thể, đặc thù, ngoại lệ.
Các quy định trong dự thảo nghị quyết không mâu thuẫn với các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và chỉ áp dụng đối với các ĐVHC thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.
Cơ quan thẩm tra đồng tình với việc cho phép các cơ quan, địa phương khi xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 được thực hiện song song 2 quy trình lập, thẩm định, công nhận kết quả đánh giá tiêu chí phân loại đô thị. Điều này góp phần làm đơn giản hóa về quy trình, thủ tục.
Cùng với đó, các địa phương được sử dụng một số nội dung quy hoạch hiện có đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: quy hoạch chung đô thị và vùng phụ cận đối với thành phố, thị xã, quy hoạch chung đô thị loại IV…
Do được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn nên Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định chuyển tiếp để giải quyết một số trường hợp cụ thể.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết với 100% thành viên có mặt tán thành.