Tài chính

Thoả thuận ngầm giúp Google vững ngôi vua tìm kiếm: "Cống nạp" cho Apple 20 tỷ USD/năm, thở phào’ nhìn cỗ máy quảng cáo Meta bị đánh sập

Thoả thuận ngầm giúp Google vững ngôi vua tìm kiếm: 'Cống nạp' cho Apple 20 tỷ USD/năm, thở phào’ nhìn cỗ máy quảng cáo Meta bị đánh sập - Ảnh 1.

Apple và Google là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Trong khi Apple là công ty giá trị nhất thế giới, Google kiểm soát Android - hệ điều hành chiếm ưu thế về mọi mặt.

Một số ứng dụng và dịch vụ của Google như Google Search, Google Maps, Gmail, YouTube đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, song ít ai biết rằng Google đã phải trả một cái giá khá đắt cho Apple để duy trì tính cạnh tranh, đặc biệt tại thị trường Mỹ.

Khi tìm kiếm thứ gì đó trên Internet, hầu hết chúng ta đều ngay lập tức “Google”. Không một ai thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định thành Bing hoặc DuckDuckGo và đây chính là động lực giúp Google chiếm hơn 90% thị phần trên thị trường tìm kiếm toàn cầu, theo StatCounter.

Cho dù bạn sử dụng iPhone, Samsung hay bất kỳ thương hiệu nào khác, mọi hoạt động duyệt web đều được thực hiện thông qua Google Search. Đây là sản phẩm hàng đầu của Google và quảng cáo đóng góp phần lớn cho tổng doanh thu.

Vì cùng chủ sở hữu, việc Google Search xuất hiện mặc định trên hệ điều hành Android là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, công cụ này cũng có mặt trên trình duyệt Safari của iPhone, iPad và MacBook. Vì sao lại vậy?

Thực tế, Google đã phải trả cho Apple hàng tỷ USD mỗi năm để duy trì công cụ tìm kiếm mặc định trên tất cả thiết bị mang thương hiệu Táo khuyết. Năm 2020, WSJ ước tính con số này rơi vào khoảng 8-12 tỷ USD. Đến năm 2021, Google phải trả cho đối tác gần 15 tỷ USD và sang đến năm 2022 là 18-20 tỷ USD, theo Forbes.

Thoả thuận ngầm giúp Google vững ngôi vua tìm kiếm: 'Cống nạp' cho Apple 20 tỷ USD/năm, thở phào’ nhìn cỗ máy quảng cáo Meta bị đánh sập - Ảnh 2.

Thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD đóng vai trò như một 'hiệp ước hòa bình' giữa Google và gã khổng lồ Thung lũng Silicon.

Rõ ràng, đây là một trong những mối quan hệ đối tác lớn nhất trong ngành công nghệ. Google sẵn sàng trả một khoản tiền khổng lồ để duy trì vị thế độc quyền của mình trên thị trường công cụ tìm kiếm.

Hiện Apple đang kiểm soát khoảng 50% thị trường smartphone và tablet ở Bắc Mỹ. Nếu công cụ tìm kiếm mặc định bị chuyển sang Bing, Google lập tức mất đi hàng trăm triệu người dùng.

Dĩ nhiên, tập đoàn này không cần phải quá lo lắng về điều đó. Hầu hết mọi người đều không ‘rảnh’ thay đổi những gì được coi là mặc định, vậy nên, việc công cụ tìm kiếm bị thay đổi gần như rất khó xảy ra.

Apple không có công cụ tìm kiếm của riêng mình song vẫn có thể tận dụng sự phát triển từ AI. Cùng với cơn sốt chatbot như ChatGPT, Microsoft và Google hiện đang tích hợp công nghệ để khởi động thế hệ tìm kiếm tiếp theo.

Không rõ liệu Bing có thể đánh bại Google, song theo lời Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, viễn cảnh rất sáng lạn. Rõ ràng, việc Microsoft ‘lấn sân’ sang AI một cách đột ngột và tích cực đã khiến Google mất cảnh giác.

Nếu mọi người yêu thích Bing, Apple nhiều khả năng sẽ tận dụng cơ hội này và buộc Google phải trả thêm tiền bản quyền. Microsoft cũng có thể sẽ vui vẻ trả giá cao hơn Google và biến Bing trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên tất cả các thiết bị nhà Táo Khuyết. Tóm lại, Apple dù như thế nào cũng vẫn được lợi.

Thoả thuận ngầm giúp Google vững ngôi vua tìm kiếm: 'Cống nạp' cho Apple 20 tỷ USD/năm, thở phào’ nhìn cỗ máy quảng cáo Meta bị đánh sập - Ảnh 3.

Apple không có công cụ tìm kiếm của riêng mình song vẫn có thể tận dụng sự phát triển từ AI.

Bằng một cách nào đó, thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD này đóng vai trò như một hiệp ước hòa bình giữa Apple và Google. Nếu Apple tiếp tục kiếm được nhiều tiền bản quyền hơn, họ có thể đẩy mạnh đầu tư vào R&D và đưa nhiều sản phẩm hãng đến tay người tiêu dùng.

Kể từ sau những thay đổi trong chính sách quyền riêng tư Apple hồi năm 2021, Google và Meta đã phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”. Các nhà tiếp thị lo ngại về rủi ro suy thoái, trong khi ứng dụng video ngắn TikTok của ByteDance nổi lên như một thế lực mới trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số. Nhiều dịch vụ truyền phát trực tuyến cũng bắt đầu chấp nhận quảng cáo.

Trước đó, đại diện Meta từng cho biết việc Apple thay đổi cách quảng cáo hoạt động trên ứng dụng iOS sẽ khiến các nhà sản xuất ứng dụng và quảng cáo gặp khó khăn trong việc theo dõi hành vi người dùng, từ đó đẩy Facebook đứng trước nguy cơ mất tới 10 tỷ USD doanh thu vào năm 2022.

May mắn, Google không bị tác động lớn từ động thái này, phần vì thương vụ ngầm trị giá hàng tỷ USD, phần vì hoạt động kinh doanh quảng cáo tìm kiếm vốn phụ thuộc vào hành vi khách hàng thay vì dữ liệu thu thập từ ứng dụng và trang web. Thị phần quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ của tập đoàn này tăng nhẹ lên 28,8% vào năm 2022, theo Insider Intelligence, song dự kiến sẽ giảm xuống 26,5% trong năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10, Giám đốc điều hành Google cho biết quảng cáo dựa trên công cụ tìm kiếm có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ kinh tế đầy thách thức. Đại diện Meta thì khẳng định chính sách mới của Apple vẫn phần nào tác động lên doanh thu quảng cáo, song có xu hướng giảm nhẹ đi nhiều.

Theo WSJ, mảng kinh doanh quảng cáo của Google và Meta vẫn đang phát triển, song dữ liệu từ Insider cho thấy tốc độ đang chậm hơn đáng kể so với phần còn lại của thị trường. Theo chuyên gia phân tích nội bộ Zachary Goldner, sự xói mòn thị phần chủ yếu đến từ việc các thương hiệu có cơ hội tiếp cận nhiều định dạng quảng cáo hơn.

“Tất cả các nhà tiếp thị đều muốn có nhiều lựa chọn”, ông Goldner nói.

Theo: WSJ, MUO

Cùng chuyên mục

Đọc thêm