Sức khỏe của người dân Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện.
Nhiệt độ ở thủ đô New Delhi mới chỉ giảm được vài ngày, giờ lại quay lại mức nắng nóng đáng báo động. Nhiệt độ cao khiến những người sống trong các khu ổ chuột ở New Delhi chịu ảnh hưởng đầu tiên. Họ không có nước máy để sinh hoạt, và nguồn nước hàng ngày đến từ những chiếc xe thùng sau hàng giờ chờ đợi.
Anh Gopal Solanki, người dân New Delhi, cho biết: "Trời nóng khiến nguồn nước trở nên không đủ để cung cấp cho chúng tôi. Nếu bình thường một gia đình sử dụng hết 100 lít nước, trong mùa hè phải lên tới 200 lít. Nhưng nguồn cung cấp thì chỉ có vậy, không tăng lên. Thiếu nước khiến mọi người trở nên mệt mỏi và mất kiên nhẫn, họ thậm chí gây gổ xô xát để tranh cướp nước dùng".
Nắng nóng ở Ấn Độ gây khủng hoảng về nguồn nước sạch và đe dọa sức khỏe người dân. (Ảnh: Hindustan Times)
Vào tháng 3, Ấn Độ ghi nhận đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất trong vòng hơn 100 năm qua. Còn trong tháng 4, nhiều địa phương, trong đó có New Delhi ghi nhận nhiệt độ cao bất thường, hầu như ngày nào cũng vượt quá 40°C.
Không chỉ gây khủng hoảng về nguồn nước sạch, nắng nóng còn đe dọa sức khỏe người dân. Chỉ trong vòng một tháng qua, hơn 20 người đã tử vong do đột quỵ vì nắng nóng ở Ấn Độ.
BàChandni Singh, nhà nghiên cứu tại Viện IIHS của Ấn Độ, khuyến cáo: "Một mối nguy nữa đến từ nắng nóng là các bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian (như sốt rét hay sốt xuất huyết) sẽ dễ lây lan từ địa phương này qua địa phương khác. Những nơi trước đây không ghi nhận bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm, và lượng người nhiễm bệnh được dự báo sẽ tăng lên".
Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) đã phân loại 23 trong số 28 bang, khoảng 100 thành phố và quận của Ấn Độ có nguy cơ phải chịu nắng nóng khắc nghiệt. NDMA cho biết, 19 bang đã lập những kế hoạch ứng phó với nắng nóng và một số bang khác đã sớm triển khai các kế hoạch này.