Tài chính

Thị trường tiền tệ tháng 6: NHNN khởi động kênh tín phiếu, tỷ giá vẫn đang đi ngược xu hướng

Theo thống kê trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hút ròng 31.400 tỷ đồng (tính đến 24/6) trên thị trường mở, với lãi suất duy trì ở mức 4%/năm. Đây là tháng thứ ba nhà điều hành tiếp tục hút ròng thanh khoản. 

Hoạt động hút ròng thanh khoản chủ yếu do các khoản cho vay cầm cố đáo hạn, quy mô cho vay giảm từ mức xấp xỉ 50.000 tỷ đồng vào đầu tháng còn khoảng 26.000 tỷ đồng tại ngày 24/6.

Điểm đáng chú ý trong tháng này là NHNN đã bán tín phiếu trở lại sau hơn ba tháng tạm dừng, nguyên nhân là do lãi suất cho vay qua đêm giảm sâu. Trong phiên ngày 24/6, giá trị tín phiếu kỳ hạn 7 ngày trúng thầu là 3.100 tỷ đồng, lãi suất là 3,5%/năm, cao hơn 0,4 điểm % so với lãi suất trúng thầu trong ngày cuối cùng của đợt phát hành vào đầu năm.

(Nguồn: Wichart)

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng giữ ổn định vào nửa đầu tháng, với xu hướng giảm nhẹ ở kỳ hạn qua đêm. Tuy nhiên với nửa sau, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, mức thấp nhất được ghi nhận tại ngày 23/6 là 1,62%/năm, đây cũng là mức thấp kỷ lục từ tháng 3/2024.

Lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm sâu khiến cho chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm giảm về mức tương đương giai đoạn tháng 9/2024.

Tuy nhiên, ngay sau động thái phát hành tín phiếu của nhà điều hành vào ngày 24/6, lãi suất cho vay qua đêm đã phục hồi dần lên mức 3,5%/năm và đã tăng nhanh chóng trong 4 phiên sau đó, tăng gần 4,83 điểm % chỉ trong 4 phiên.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất liên ngân hàng trong phiên 30/6 đã vọt lên 6,45%/năm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 1/2023.

Lãi suất các kỳ hạn như một tuần đến ba tháng cũng tăng nhanh chóng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn một tuần ở mức 6,53%/năm, tăng 2,68 điểm % so với phiên 24/6. Lãi suất kỳ hạn một tháng cũng lên 5,18%, tăng 1,4 điểm % so với mốc trên. Tương tự, lãi suất kỳ hạn ba tháng cũng tăng 0,64 điểm %, ở mốc 5,15%. 

 (Nguồn: SBV)

Trong khi mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định và tín dụng tăng trưởng mạnh, các ngân hàng thương mại đã tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu với quy mô khoảng 127 nghìn tỷ đồng, gấp đôi quy mô cùng kỳ (tính đến 20/06).

Trước đó, giới chuyên gia duy trì quan điểm chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định, cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng. Các chuyên gia VCBS duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ ổn định trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

(Nguồn: VDSC)

Tỷ giá vẫn đang đi ngược xu hướng với các đồng tiền Châu Á

Theo thống kê, tỷ giá USD/VND vẫn đang đi ngược với xu hướng với các đồng tiền Châu Á khác trong tháng 6/2025. Nhà điều hành cũng điều chỉnh mạnh tỷ giá trung tâm trong tháng 6, song hành với xu hướng tăng mạnh hơn của tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng.

Theo đó, ghi nhận trong ngày 30/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 25.052 VND/USD, tăng 710 đồng so với đầu năm. 

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 24/6, tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt neo trên mốc 26.300 USD, ghi nhận tăng đáng kể với mức điều chỉnh từ 10 đến 91 đồng. 

Đồng thời, NHNN đã đẩy giá bán USD tại Sở giao dịch lên 26.260 VND/USD, tương ứng mức tăng 31 đồng so với phiên giao dịch trước đó, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. So với đầu năm, giá bán USD đã tăng thêm 810 đồng, tương đương tăng gần 3,2%.

(Nguồn: VDSC)

Trao đổi với người viết, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, nhận định tỷ giá VND/USD chịu áp lực rất lớn trong nửa đầu 2025, luôn ở trong trạng thái tăng kịch trần so với hạn mức NHNN đưa ra. 

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tỷ giá biến động trong thời gian vừa qua, theo chuyên gia lý do xuất phát từ hai yếu tố, thứ nhất là do chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ và thứ hai là những vấn đề căng thẳng về thuế quan.

Đối với nguyên nhân thứ nhất, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao, theo TS Huân, khi lãi suất tại Mỹ được giữ ở mức cao, đồng USD trở nên hấp dẫn hơn và duy trì giá trị mạnh, từ đó tạo ra áp lực tăng tỷ giá.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam lại đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ (bao gồm phần bù rủi ro tỷ giá) lớn. 

Chuyên gia cho ví dụ lãi suất trong nước hiện vào khoảng 4–5%, tương đương với mức lãi suất tại Mỹ, nhưng kỳ vọng mất giá của Việt Nam đồng so với USD lại khá cao, khoảng 4–5% mỗi năm.

"Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như nhà đầu tư Mỹ, dù gửi tiền tại Việt Nam với lãi suất tương đương trong nước, cũng khó cảm thấy hài lòng. Bởi nếu quy đổi từ VND sang USD, thì sẽ bị mất giá, phần lãi suất nhận được gần như bị triệt tiêu, thậm chí lợi nhuận thực tế có thể âm. Trong khi đó, đầu tư tại Mỹ với cùng mức lãi suất 4–5% vẫn mang lại lợi nhuận dương", chuyên gia lý giải. 

Về nguyên nhân thứ hai, theo chuyên gia, đến từ một số yếu tố bên ngoài như vấn đề căng thẳng từ thuế quan, bất ổn địa chính trị cũng phần nào tác động đến tỷ giá trong nước. 

Theo TS Huân trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam dường như đang chấp nhận đánh đổi ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Đây là một định hướng chính sách đã được cân nhắc từ đầu năm.

(Nguồn: VDSC)

Đồng quan điểm, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã mua gần 1,9 tỷ USD từ đầu năm đến nay. VDSC cho hay việc mua USD liên tục của KBNN khiến trạng thái ngoại tệ của hệ thống giảm đáng kể so với đầu năm, còn khoảng 750 triệu USD tại thời điểm giữa tháng 6.

Trong khi đó, thời hạn gia hạn thuế đối ứng gần kề cùng với chênh lệch âm lãi suất VND-USD trở lại trong tháng 6 đã làm gia tăng áp lực lên triền vọng tỷ giá USD/VND, tuy nhiên, các chuyên gia VDSC đánh giá mức mất giá hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát kèm với sự chủ động của NHNN.

Theo VDSC, trong nửa cuối năm 2025, cân đối cung-cầu ngoại tệ vẫn sẽ căng thẳng khi thặng dư thương mại đã giảm dần trong các tháng gần đây; dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển khi câu chuyện thuế quan rõ ràng hơn và áp lực tăng trưởng dẫn đến việc thúc đẩy tín dụng và đầu tư công, từ đó quan ngại về kỳ vọng lạm phát tăng trong tương lai có thể khiến nhu cầu tích trữ USD gia tăng.

Các tin khác

Biển Đông sắp đón áp thấp nhiệt đới

Chiều nay (3/7), một vùng áp thấp vừa hình thành ở khu vực phía đông bắc của đảo Luzon của Philippines, ngay sát Biển Đông. Dự báo trong đêm nay và ngày mai (4/7), vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hoạt động trên Biển Đông.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay 3.7, giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm so với giá điều hành ngày 1.7.

Khi thị trường biến động - cơ hội để BSR tăng tốc

Thị trường dầu mỏ thế giới nửa đầu năm 2025 tiếp tục biến động do căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Iran và Israel khiến nguồn cung bị gián đoạn, chuỗi cung ứng rối loạn và giá dầu Brent biến động mạnh theo chu kỳ ngắn. Tại Việt Nam, các nhà máy lọc dầu, trong đó có Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất do Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vận hành, chịu sức ép kép từ thị trường nhập khẩu giá rẻ và sự bất ổn giá nhiên liệu.

Giá vàng hôm nay, 3-7: Tiếp tục nóng lên

Giá vàng hôm nay tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh khi thị trường lo ngại về khả năng đạt được các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác.