Chứng khoán Việt Nam khép lại phiên thứ hai cuối cùng của năm 2022 bằng những diễn biến không mấy tích cực. Tâm lý bi quan bao phủ khiến nhiều cổ phiếu trong nhóm trụ như bất động sản, chứng khoán, thép đồng loạt giảm sàn. Sắc đỏ lấn lướt trên cả 3 sàn với 695 mã giảm, trong đó có đến 171 mã giảm sàn.
Lực bán dồn dập khiến VN-Index giảm đến 35 điểm và một lần nữa “thủng” ngưỡng hỗ trợ cứng 1.000 điểm. Vốn hóa HoSE theo đó bị thổi bay gần 140.000 tỷ đồng (~6 tỷ USD), xuống còn 3,93 triệu tỷ đồng. Mức giảm 3,44% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 26/12.
Bên cạnh đà lao dốc của chỉ số, thanh khoản cũng “hụt hơi” khi giá trị giao dịch trên HOSE chỉ duy trì dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Trái ngược với lực bán mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, giao dịch khối ngoại lại là điểm sáng khi họ mua ròng 467 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Bàn về nguyên nhân đà giảm của thị trường phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng tâm lý nhà đầu tư bị tác động bởi thông tin SK Group có thể bán một số tài sản ở một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, Malaysia. Mặc dù, có nguồn tin cho rằng tổ chức này đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, song vẫn tác động khá tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Tuy vậy, chuyên gia cho rằng thông tin trên cũng chỉ tác động về mặt tâm lý, quan trọng nhất là dòng tiền vẫn tiên quyết đứng ngoài thị trường. Điều này thể hiện ở việc thanh khoản liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân có thể do tâm lý chốt lời, cơ cấu danh mục vào thời điểm cuối năm. Mặt khác, những vấn đề âm ỉ về doanh nghiệp bất động sản vẫn còn và chưa được giải quyết triệt để cũng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm thận trọng. Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng đang chờ đợi những những yếu tố hỗ trợ đủ lớn để dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Trên thực tế, ông Minh cho rằng khi chỉ số xuyên “thủng” mốc 1.030 điểm thì đà giảm ngắn hạn đã chính thức được xác lập. Do đó, sau khi liên tục đi ngang với thanh khoản èo uột, thông tin tiêu cực xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh là điều không quá khó hiểu.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, ông Minh cho rằng các chỉ báo đồng loạt hướng xuống cho tín hiệu tiêu cực khi VN-Index liên tục đánh mất các mốc điểm hỗ trợ và “thủng” đường trung bình MA50. Khả năng cao những phiên tới chỉ số sẽ giảm theo quán tính về 970 điểm để test lại ngưỡng này trước khi tìm thấy điểm cân bằng.
Sau mỗi phiên bán tháo sẽ kích hoạt dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Ngắn hạn thị trường vẫn còn khá nhiều biến số khó lường, song trung hạn không quá bi quan vì những rủi ro đã được phản ánh khá nhiều. Do đó, những nhà đầu tư trung hạn sẽ xác định điểm vào, cộng thêm cũng có một số nhà đầu tư “lỡ” sóng hồi vừa qua cũng sẽ nắm bắt cơ hội để tham gia.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nhịp hồi trong những phiên tới sẽ không quá mạnh. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát thị trường, nâng cao tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi cho chỉ số chung tìm lại được điểm cân bằng sau nhịp giảm điểm.
Dự phóng về KQKD quý 4, chuyên gia Yuanta đánh giá sẽ có sự cải thiện nhẹ so với quý 3 do (1) lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp có vay nợ, nhập khẩu sẽ khả quan hơn tỷ giá có phần hạ nhiệt (2) tăng trưởng trên mức nền thấp từ bức tranh KQKD quý 4/2021.
Tuy bức tranh tăng trưởng lợi nhuận quý 4 có thể đỡ “xấu” hơn so với quý 3, song chuyên gia cho rằng sẽ thực sự cải thiện trước nguy cơ suy thoái nền kinh tế và mặt bằng lãi suất vẫn duy trì mức cao.