Nhiều thương vụ “hot”
Sau những tháng đầu năm diễn biến khá ảm đảm, thì từ tháng 8 đến nay, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, khi các doanh nghiệp đồng loạt công bố chốt thương vụ thành công.
Mới đây nhất, thương vụ của Mitsui và Tasco Auto được dự đoán sẽ là một trong những “bom tấn” M&A của năm nay. Nhiều nhà quan sát, giới đầu tư đang quan tâm đến việc Mitsui & Co đầu tư chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - một đơn vị thành viên của Tasco. Tuy giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ nhưng được kỳ vọng tạo cú hích lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vận chuyển.
Ngoài thương vụ trên, hàng loạt thương vụ M&A bất động sản “chốt deal” thành công đã làm thị trường M&A của Việt Nam thêm sôi động. Như: Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO thông báo hoàn tất giao dịch nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Hùng Vương lên 58,05% vốn điều lệ và đưa Công ty Cổ phần Hùng Vương trở thành công ty con của tập đoàn.
Cụ thể, trong tháng 8 KIDO đã có 2 lần mua hơn 9,5 triệu cổ phần và 4,5 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Hùng Vương để hoàn tất sở hữu 58,05% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Đầu tháng 8/2024, Tập đoàn Mường Thanh thông báo về việc tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, thành phố Pleiku từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Giá chuyển nhượng không được công bố.
Những cái tên ngoại cũng đang dần mạnh mẽ hơn trong việc M&A bất động sản. TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… với những kế hoạch dài hơi và số vốn khổng lồ.
Báo cáo mới đây của Savills đã ghi nhận một số thương vụ M&A lớn đáng chú ý, chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở với sự nổi bật của dòng vốn đến từ Nhật Bản đổ vào Đồng Nai và Bình Dương. Qua đây cũng có thể thấy, thay vì dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland... trong vài thập niên trước, hiện nay, thị trường bất động sản đã có thêm nhiều đại gia mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Cụ thể, thương vụ M&A có giá trị “khủng” nhất là Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50ha tại Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound và căn hộ… cùng với hàng loạt tiện ích đẳng cấp đáp ứng mọi nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, mua sắm cho đến không gian làm việc, hội nghị - triển lãm, chăm sóc sức khỏe và thể dục thể thao.
Kế tiếp đó là thương vụ M&A giữa Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) sẽ triển khai xây dựng Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức), diện tích khoảng 18ha tại Khu công nghiệp Châu Đức. Với vốn đầu tư 250 triệu USD, Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) góp phần hiện thực hóa kế hoạch mở rộng và phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao của Tập đoàn Công nghệ Tripod. Đây cũng là dự án công nghệ cao có quy mô lớn nhất tại Khu công nghiệp Châu Đức tính đến thời điểm hiện nay.
Thương vụ M&A được quan tâm không kém là Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD. Sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng có giá trị khoảng 662 tỉ đồng này, ước tính Nam Long có thể thu về khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng, đóng góp vào lợi nhuận quý II của tập đoàn này…
Theo thống kê của Cushman & Wakefield Việt Nam, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp ngày càng hấp dẫn. Điển hình, một quỹ đầu tư của Singapore là Mapletree Logistics Trust đã chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 02 nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên; CapitaLand Investment cũng dự kiến đầu tư thêm khoảng 70 - 110 triệu USD vào Việt Nam trong 2 năm tới, nhằm xây dựng hoặc mua lại các khu công nghiệp…
Trợ lực từ hành lang pháp lý
Mặc dù các thương vụ lớn vẫn diễn ra đều, nhưng các chuyên gia nhận định, số lượng các siêu thương vụ, có trị giá hơn 25 tỷ USD, đã chậm lại so với các chu kỳ M&A trước đó, do giới quản lý thắt chặt giám sát chống độc quyền. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn dự báo triển vọng tích cực của thị trường M&A Việt Nam khi bước sang nửa cuối năm 2024.
Trong báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 của Hiệp hội Môi giới bất động sản (VARS) cũng nhận định, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh về tài chính trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế. VARS dự báo, hoạt động M&A trong nửa cuối năm 2024 tiếp tục sôi động với “trợ lực” từ hành lang pháp lý khi các đạo luật liên quan đến bất động sản đi vào cuộc sống.
Đồng quan điểm, ông Khương dự báo, từ nay đến cuối năm, các luật mới về đất đai có hiệu lực sẽ là đòn bẩy quan trọng để hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản sôi động hơn. “Từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A “khủng” từ phía các nhà đầu tư ngoại. Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế và không ít doanh nghiệp ngành này vẫn đang chật vật tài chính, loay hoay trong nợ xấu, khó có thể hồi sinh nên sẽ phải bán dự án” - ông Khương nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - Trang Bùi - cũng nhận định, nửa cuối năm 2024 này sẽ là thời điểm để nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc rót vốn đầu tư, thông qua hoạt động liên doanh, liên kết đầu tư hoặc M&A. Trong đó, xu hướng sẽ gia tăng ở phân khúc bất động sản công nghiệp, khách sạn, văn phòng và bán lẻ. “Hiện tại ưu thế đang nghiêng về nhà đầu tư vốn ngoại, vì vậy những doanh nghiệp trong nước có tiềm lực tài chính cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội đón đầu sự tăng trưởng thời gian tới” - bà Trang nhận định.
Đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) luôn nỗ lực thực hiện kiểm soát hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong các giao dịch M&A. Số liệu thống kê của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho thấy, số lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh biến động nhiều trong các năm qua. Từ 62 hồ sơ năm 2020, lên 130 hồ sơ vào năm 2021, 154 hồ sơ vào năm 2022 và gần 160 hồ sơ vào năm 2023. Đáng nói, số lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tế từ khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 29,92% vào năm 2020 lên 37,1% vào năm 2021 và đạt 55,27% trong năm 2023. Thực tế cho thấy, gần 70% các hồ sơ thông báo tập trung kinh tế thuộc hình thức mua lại. Số lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tếnhiều nhất từ năm 2020 đến nay thuộc lĩnh vực bất động sản. |