Chứng khoán

Thị trường cổ phiếu Việt Nam có tiềm năng lớn trong huy động vốn doanh nghiệp

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

 

Trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô vững vàng, thị trường vốn ở Việt Nam; trong đó có thị trường chứng khoán đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua.

Dù có nhiều khó khăn phải vượt qua, song giới chuyên gia tin tưởng rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành hồi đầu tháng 8/2024 cho biết tăng trưởng kinh tế lành mạnh, lạm phát thấp và tỷ giá ổn định, kết hợp với ổn định chính trị khiến thị trường vốn của Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia so sánh trong khu vực xét về quy mô, đạt trên 90% GDP vào năm 2023, tương đương với Indonesia.

Các thị trường vốn vận hành tốt là điều kiện quan trọng để huy động nguồn lực, trong tổng thể thị trường tài chính mang tính bao trùm, có khả năng chống chịu linh hoạt và hiện đại.

Mặc dù vậy, nếu đánh giá qua sự thành công trong phát triển thị trường trên phương diện chức năng trung gian tài chính, các chỉ số thị trường vốn của Việt Nam vẫn cho thấy cơ hội tiếp tục tăng trưởng.

Về huy động vốn, mặc dù quy mô vốn hóa thị trường lớn, nhưng lượng vốn huy động qua phát hành cổ phiếu mới trên các sàn giao dịch cổ phiếu trong năm năm qua vẫn tương đối nhỏ.

WB cho rằng do sự thiếu vắng tỷ trọng lớn của các nhà đầu tư tổ chức trên các thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân trở nên chi phối, qua đó tạo ra nhiều biến động do hành vi mua bán mang tính “bầy đàn.”

Điều này phần nào đó đã hạn chế sự phát triển của thị trường cổ phiếu trở thành kênh huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

WB nhận định thị trường cổ phiếu của Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành nguồn huy động tài chính quan trọng cho khu vực tư nhân. Mức vốn hóa thị trường so với GDP đã tăng từ 38% lên 58% trong thập kỷ qua, thậm chí còn đạt đỉnh lên đến 93% vào năm 2021.

Tuy nhiên WB cho rằng không chỉ quy mô các doanh nghiệp trên thị trường cổ phiếu Việt Nam nhỏ hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, mà lượng cổ phiếu sẵn có cũng chịu ảnh hưởng bất lợi bởi giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng cho một số ngành.

Về phía cầu, thị trường thiếu sự đa dạng về nhà đầu tư, do sự chi phối của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm phần lớn (89%) các giao dịch trong 5 năm qua.

Nhà đầu tư cá nhân thường có hành vi “bầy đàn” với tầm nhìn ngắn hạn.

Một cơ sở các nhà đầu tư rộng hơn, và đặc biệt là gia tăng sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức sẽ giúp ổn định giá cổ phiếu.

Vì “sức khỏe” của thị trường cổ phiếu thường được coi là thước đo cho nền kinh tế thị trường của một quốc gia, điều rất quan trọng là cần duy trì quỹ đạo tăng trưởng dài hạn với ít biến động hơn.

Trong thời gian tới, với khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần thu hút đầu tư quốc tế ở mức đáng kể để tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.Khi quy mô cơ sở các nhà đầu tư trong nước còn nhỏ, Việt Nam cần thêm sự hỗ trợ của các nhà đầu tư danh mục quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell - hai trong số những tổ chức xếp hạng chỉ số lớn nhất thế giới dựa trên số vốn theo dõi các chỉ số của họ xếp hạng là thị trường cận biên.

Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là động lực quan trọng để thị trường của Việt Nam tiếp cận nhiều hơn nữa với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như lượng cổ phiếu có đủ quy mô và thanh khoản để trở nên hấp dẫn.

Nếu được MSCI và FTSE Russell nâng cấp thành thị trường mới nổi, nghĩa là dòng vốn ròng 5 tỷ USD sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, do danh mục của thị trường mới nổi toàn cầu được tái phân bổ sang Việt Nam sau khi được nâng cấp.Dòng tiền đổ vào có thể lên đến 25 tỷ USD vào năm 2030 nếu những cải cách mạnh mẽ tiếp tục diễn ra và và môi trường đầu tư toàn cầu vẫn lành mạnh.

Về tổng thể, điều đó có nghĩa là riêng các thị trường vốn sẽ dành được khoảng 87 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp vào cuối thập kỷ, WB nhìn nhận.

Theo ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) trong kịch bản cơ sở, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, điều này sẽ khiến chỉ số đồng Dollar (DXY) suy giảm về dưới mức 102. Xuất khẩu sẽ tăng 10-12% trong năm nay.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong năm nay, ông Barry Weisblatt David cho rằng tín dụng sẽ tăng trưởng 14% và theo đó lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 18%.

Ông Barry Weisblatt David cho biết lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn trong nửa đầu năm đã theo sát với kịch bản cơ sở của VNDirect.

Tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2024 đã tăng tốc so với quý trước và đạt mức khoảng 15% so với cùng kỳ. Vì vậy, VNDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận thị trường đang đi đúng hướng để đạt được con số như dự phóng của công ty.

“Chúng tôi cho rằng kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index sẽ đóng cửa năm 2024 trên mức 1.400 điểm, tương ứng chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu) đạt 14,8x là khả thi,” chuyên gia từ VNDirect cho biết.

Nhiều nhóm ngành sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho thời gian còn lại của năm 2024.

Nhưng ông Barry Weisblatt David nhận định nhóm ngân hàng và thép là hai ngành mà các nhà đầu tư nên quan tâm.

Đối với các ngân hàng, mặc dù chất lượng tài sản đã suy giảm trong thời gian gần đây, nhưng điều này sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi. Hơn nữa, luật bất động sản mới sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp.

Quan trọng hơn, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy thu nhập.

Đồng USD suy yếu sẽ giảm bớt sức ép phải có hành động thắt chặt chính sách nhằm hỗ trợ tỷ giá từ phía ngân hàng nhà nước, từ đó giảm nguy cơ khiến mặt bằng lãi suất tăng cao, điều vốn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

Đối với ngành thép, VNDirect thấy rằng ngành sản xuất công nghiệp này có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ là 437,3% so với cùng kỳ trong quý 2/2024.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 là 3.320 tỷ đồng (tăng trưởng tích cực 129% so với cùng kỳ); Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) có lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng trong quý 2/2024, gấp 19 lần cùng kỳ.

Với Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) có lợi nhuận sau thuế 219,63 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước.

VNDirect tin rằng sự phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam (sau khi Luật Đất đai mới được triển khai) cũng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường chứng khoán sớm phục hồi./.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm