Chu kỳ kinh tế là tổng hợp những biến động tự nhiên của nền kinh tế giữa những giai đoạn tăng trưởng và suy thoái. Chu kỳ kinh tế cũng có sự liên quan mật thiết đến thị trường chứng khoán. Do đó, việc hiểu được từng chu kỳ kinh tế cũng sẽ giúp nhà đầu tư chứng khoán có hành động phù hợp hơn.
Bốn chu kỳ kinh tế
Giai đoạn suy thoái là thời điểm nền kinh tế bắt đầu đi xuống. Sản lượng hàng hoá suy giảm, doanh nghiệp cắt bớt số lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Lãi tín dụng bị siết chặt dẫn đến chi phí tài chính tăng vọt, trong khi đó doanh thu không thể tăng lên dẫn đến GDP sụt giảm.
Giai đoạn đáy chu kỳ kinh tế là thời điểm nền kinh tế giảm sút tới mức vô cùng nghiêm trọng. Chính phủ bắt đầu các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, ví dụ như giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nguồn tiền được bơm vào nền kinh tế khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng chi tiêu.
Giai đoạn phục hồi nhờ vào những nỗ lực cứu vãn trước đó, nền kinh tế bắt đầu dần hồi phục. Lúc này, ngân hàng sẽ tăng mức lãi suất vay vốn, mức tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sản lượng và công suất sản xuất sẽ tăng lên đáng kể. Điều này dẫn đến doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn trước.
Giai đoạn đỉnh chu kỳ kinh tế xảy ra khi GDP vẫn tiếp tục tăng nhưng đã chậm hơn so với các giai đoạn trước do đã đạt đỉnh. Đây cũng là thời kỳ lạm phát tăng nhanh. Doanh nghiệp không còn tuyển dụng thêm người lao động nhiều như trước. Khi GDP tăng tới đỉnh, đồng tiền mất giá quá nhiều do lạm phát, nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khủng hoảng và bước vào giai đoạn suy thoái, bắt đầu bước vào chu kỳ mới.
Theo Chứng khoán An Bình (ABS), thị trường chứng khoán luôn đi trước so với nền kinh tế. Lý do vì chứng khoán phản ánh kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, thị trường chứng khoán sẽ chạm đáy.
Điểm đáy của một chu kỳ kinh tế là lúc thị trường chứng khoán bắt đầu tăng nhẹ. Chứng khoán sẽ tăng mạnh nhất vào lúc nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục. Và đến khi chu kỳ kinh tế đạt đỉnh thì đó là lúc thị trường sẽ bắt đầu đi xuống.
Vậy nên đầu tư gì vào mỗi chu kỳ của thị trường
Ở đáy của một chu kỳ kinh tế, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng và vận chuyển – logistic. Vì trong thời kỳ này, nguồn cung tiền sẽ được Chính phủ tăng lên. Dòng tiền sẽ có khả năng chảy vào chứng khoán – nơi có mức lãi suất cao hơn. Nhu cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi trở lại nên các ngành vận chuyển – logistic sẽ được hưởng lợi.
Khi bắt đầu vào chu kỳ phục hồi, ngành nên đầu tư là ngành công nghệ, công nghiệp cơ bản (như sắt, thép, đồng, nhôm, và các nguyên liệu công nghiệp khác). Ngoài ra còn có ngành cung cấp tư liệu sản xuất (như sản xuất máy móc, xây dựng công trình).
Tại đỉnh của chu kỳ kinh tế, ngành năng lượng, ngành kim loại quý hiếm (vàng, bạc, platinum), ngành y tế và ngành hàng tiêu dùng thường xuyên (đồ uống, thực phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm) sẽ là những ngành mà bạn nên đầu tư.
Bước vào chu kỳ suy thoái, thị trường chứng khoán nói chung sẽ có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành được hưởng lợi. Đó là ngành cung cấp tiện ích (điện, nước), hàng tiêu dùng theo chu kỳ (như bất động sản, giải trí, bán lẻ) và ngành ngân hàng.
Hiện tại, theo ABS, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ phục hồi và bắt đầu bước vào chu kỳ suy thoái, nhà đầu tư nên tập trung vào các ngành tiện ích như (điện, nước), bán lẻ và ngân hàng khi thị trường tạo đáy, mức định giá rẻ cho mục tiêu đầu tư dài hạn.