Chứng khoán

Thị giá về "đáy" 15 tháng bất chấp KQKD tăng trưởng cao, điều gì đang diễn ra với HAH?

Trải qua đợt dịch Covid 19, các doanh nghiệp vận tải biển vẫn "sống khoẻ" nhờ giá cước vận tải tăng phi mã, trong đó HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng không ngoại lệ.

Trước đây, cổ phiếu HAH đã có một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ từ giữa năm 2021, kéo theo thị giá phá đỉnh liên tục. Mạch tăng kéo dài trong gần 1 năm đến giữa năm 2022 bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thị giá về đáy 15 tháng bất chấp KQKD tăng trưởng cao, điều gì đang diễn ra với HAH? - Ảnh 1.

Giai đoạn này, diễn biến cổ phiếu được hỗ trợ tích cực bởi giá cước vận tải biển bước vào chu kỳ tăng phi mã kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đồng thời, kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá cước cao dựng đứng và giao thương xuất nhập khẩu sôi động cũng giúp cho thị giá HAH bứt tốc.

Tuy nhiên, phong độ này đã không được duy trì khi cổ phiếu này thiết lập đỉnh vào tuần đầu tháng 6/2022 tại mức giá 90.000 đồng/cp. Kể từ đỉnh, HAH đã “bốc hơi” nhanh chóng tới 65% giá trị, lùi về vùng đáy 15 tháng quanh mức 31.000 đồng/cp (chốt phiên 8/11). Vốn hoá thị trường theo đó cũng bị thổi bay hơn 4.000 tỷ đồng chỉ sau 5 tháng còn gần 2.200 tỷ đồng.

Thị giá về "đáy", bức tranh kết quả kinh doanh vẫn khả quan

Trái ngược với thị giá đi lùi, kết quả kinh doanh của Hải An vẫn giữ phong độ và ghi nhận những gam màu tươi sáng. Cụ thể, trong quý 3, doanh thu đạt 779 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận quý 3 được cải thiện từ 29% của quý 3 năm ngoái lên mức 48%.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế mà Hải An thu về trong quý 3 vẫn tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ lên hơn 274 tỷ đồng, trong đó lãi ròng đạt xấp xỉ 218 tỷ đồng – hạ nhiệt đôi chút so với số lãi kỷ lục 240 tỷ trong quý 2 liền trước đó.

Thị giá về đáy 15 tháng bất chấp KQKD tăng trưởng cao, điều gì đang diễn ra với HAH? - Ảnh 2.

Luỹ kế 9 tháng, HAH đạt 2.360 tỷ đồng doanh thu, tăng 84% và LNST 861 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ đầu năm ngoái, như vậy mỗi tháng trong năm 2022 Hải An ghi nhận 96 tỷ đồng tiền lãi.

Năm 2022, HAH đặt kế hoạch doanh thu 2.388 tỷ và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý đầu năm Công ty đã thực hiện gần sát nút chỉ tiêu doanh thu và vượt 57% chỉ tiêu lợi nhuận.

Nhiều khả năng đà giảm của cổ phiếu HAH bắt nguồn từ sự đi xuống của giá cước vận tải quốc tế. Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, giá cước vận tải container trung bình đã giảm xuống mức rất thấp so với đầu năm và giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị giá về đáy 15 tháng bất chấp KQKD tăng trưởng cao, điều gì đang diễn ra với HAH? - Ảnh 3.

Nguồn: Drewry

Tính đến 3/11, cước vận chuyển mỗi container 40 feet là 3.050 USD, con số này thấp hơn 71% so với mức đỉnh 10.377 USD vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 115% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD.

Theo SSI Research, thị trường thuê tàu container đột ngột suy yếu từ tháng 9, phản ánh nhu cầu yếu trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung tàu tăng trong 2 năm tiếp theo. Giá thuê tàu của tất cả các kích cỡ tàu đã giảm 60-70% so với đỉnh vào tháng 3/2022 và quay trở lại mức ghi nhận đầu năm 2021.

Song, SSI chỉ ra một điểm tích cực là giá thuê tàu ổn định hơn trong 3 tuần qua. Trong khi đó, giá cước giao ngay tiếp tục giảm 70% so với đỉnh thiết lập tháng 10/2021 đồng thời tốc độ giảm cũng đã chậm lại gần đây do các hãng tàu tích cực cắt giảm lịch tàu để bảo vệ giá cước vận tải không bị giảm mạnh.

Thị giá về đáy 15 tháng bất chấp KQKD tăng trưởng cao, điều gì đang diễn ra với HAH? - Ảnh 4.

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm tốc do nguồn cung tăng gây áp lực lên giá cước vào năm 2023

Đánh giá về thị trường vận tải quốc tế, SSI Research cho rằng phần lớn đơn hàng đóng tàu mới sẽ được giao vào 2023 và 2024, giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2024. Theo đó, CTCK này kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại khi nhu cầu vận tải tăng lên, dự kiến vào nửa cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thương mại toàn cầu phục hồi.

Song, thị trường nội địa vẫn duy trì khá tốt so với thị trường quốc tế do nguồn cung hạn chế. Sang năm 2023, SSI Research cho rằng một số lượng lớn tàu sẽ quay trở lại thị trường nội địa, vì việc gia hạn hợp đồng thuê tàu sẽ khó khăn hơn. Do đó, nguồn cung tăng có thể gây áp lực lên giá cước và ước tính giá cước trung bình sẽ giảm 30% vào năm 2023.

Khi thị trường trong nước trở nên cạnh tranh hơn, SSI Research nhận định HAH sẽ tăng tỷ trọng tàu cho thuê so với tàu tự vận hành, đây là một thay đổi so với chiến lược cân bằng trước đây của công ty. Hơn nữa, HAH sẽ duy trì hoạt động tự vận hành tối đa 4-5 tàu, trong khi số còn lại sẽ được cho thuê. So với các hãng tàu khác trong nước, đội tàu của HAH vẫn có một số lợi thế với kích cỡ tàu lớn hơn và tuổi tàu trẻ hơn (đặc biệt là bốn tàu đóng mới). Tuy nhiên, giá thuê tàu có thể thấp hơn nhiều so với các hợp đồng trước đó được ký trong giai đoạn 2021~2022.

Với những kỳ vọng trên, đội ngũ phân tích SSI kỳ vọng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ có thể duy trì ở mức cao 200 tỷ đồng trong quý 4/2022. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận theo năm sẽ giảm tốc đáng kể từ quý 4/2022 do mức so sánh cao của năm ngoái.

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Hiện trạng 4 "dòng sông chết" mà Hà Nội muốn hồi sinh để chống ngập

Nhiều năm qua ở Thủ đô, các dòng sông như Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy luôn ở mức độ ô nhiễm trầm trọng. Dòng nước tại các sông đều bốc mùi nồng nặc, đen kịt, khẩu độ dòng chảy bị thu hẹp, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Mới đây Hà Nội đặt quyết tâm kỳ vọng sớm hồi sinh các con sông này để tăng khả năng thoát nước vào mùa mưa lũ.