Cụ thể, phụ huynh này cho biết: “Cả tháng nay con gái có về nói rằng, con sẽ không thi vào lớp 10. Vào thứ 7 tuần trước, cô giáo chủ nhiệm cũng gọi điện cho tôi báo con giơ tay tự nguyện không đi thi.
Tôi đã không đồng tình mà trao đổi thẳng rằng, bố mẹ nào cũng có nguyện vọng cho con thi để được thử sức, biết năng lực đến đâu. Chỉ cần con cố gắng thi hết sức, đỗ hay trượt thì sau đó mới tính đến nguyện vọng học gì, ở đâu.
Cho con học từ mẫu giáo đến hết lớp 9, có mỗi một kỳ thi thôi mà lại không thi, ngay cả gia đình cũng không có quyền ép buộc con như vậy.
Thế nhưng, hôm vừa rồi con cầm tờ đơn tự nguyện không tham dự kỳ thi THPT năm học 2021-2022 xin chữ ký mà tôi thấy ức chế vô cùng".
Phần chia sẻ của nam phụ huynh khiến dư luận xôn xao |
Theo phụ huynh này thì nội dung lá đơn có đoạn: "Tôi làm đơn này xin trình bày với các thầy cô. Con tôi là... đã hoàn thành chương trình THCS nhưng không có nguyện vọng thi vào THPT. Nên tôi làm đơn này xin cho cháu không tham dự vào kỳ thi lớp 10 THPT (2021-2022), để cháu có thể đi học hướng nghiệp. Kính mong các thầy cô tạo điều kiện cho cháu và gia đình".
Được biết, con anh D. hiện đang học tại Trường THCS Phú Cường, huyện Sóc Sơn và cách đây không lâu có trường trung cấp nghề đã về trường tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, đại diện Trường THCS Phú Cường, huyện Sóc Sơn khẳng định rằng nhà trường không có chủ trương bắt ép học sinh không thi vào lớp 10.
“Tôi chưa nắm được thông tin về phụ huynh tố trên mạng xã hội nhưng hiện tại nhà trường chưa triển khai gì và cũng không có chủ trương ép học sinh viết đơn không thi vào lớp 10.
Mọi thứ do học sinh và gia đình tự nguyện. Mấy hôm trước thì có trường nghề về tư vấn, giáo dục nghề nghiệp nhưng không ai bắt ép học sinh cả”, vị đại diện Trường THCS Phú Cường nói.
Hướng nghiệp không có nghĩa là ép buộc
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) thì phân luồng đang được coi là một giải pháp quan trọng giúp học sinh sớm đi vào con đường học nghề để thành công sớm trên thị trường lao động. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn tự giác của người học và của gia đình học sinh chứ không phải ép buộc.
"Tôi thích dùng từ "khơi luồng" học sinh hơn. Nói cụ thể là trường nghề làm thế nào để có thể hấp dẫn học sinh bằng chất lượng đào tạo. Nghĩa là học nghề để có kỹ năng và việc làm.
Bên cạnh đó, phía thị trường tuyển dụng cũng phải có nhu cầu cho đối tượng học sinh học nghề sau lớp 9 để có việc làm khi đủ tuổi lao động theo luật. Việc làm ngoài thị trường không đầy đủ hoặc thiếu hấp dẫn thì phân luồng sẽ còn gặp khó khăn", TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích.
Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh thì mô hình phân luồng lý tưởng là mô hình kết hợp giữa dạy tích hợp các môn khoa học ứng dụng với kỹ năng nghề. Theo đó, các trường không nên tách nội dung các môn học văn hóa (khoa học ứng dụng) ra khỏi nội dung học kỹ năng nghề. Như vậy sẽ tạo động lực mạnh cho người học nghề, hiệu quả chương trình cao hơn, học sinh sẽ bỏ học ít hơn.
"Một mô hình lý tưởng cho phân luồng hay khơi luồng chính là học nghề sao cho học sinh có được kỹ năng việc làm và có việc làm cùng thu nhập tương xứng. Rõ ràng cần phải thay đổi tư duy tiếp cận phân luồng theo hướng đào tạo kỹ năng mà không quá chú trọng đến bằng cấp.
Ở nước ngoài, người ta dạy tích hợp trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp ở trường THPT tại một số quốc gia Châu Âu hoặc trong các trường trung học kỹ thuật như Hàn Quốc, Phần Lan, Hoa Kỳ, Malaysia.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu trình độ người lao động làm việc thì ở các quốc gia phát triển, tỉ lệ lao động có trình độ trung học phổ thông, trung học nghề hay trung học kỹ thuật đạt từ 45-48% (2020). Đây cũng chính là lực lượng lao động then chốt thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại học đất nước. Trong khi đó, ở nước ta tỉ lệ lao động có trình độ trung cấp còn quá thấp, chỉ khoảng 10%", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng lưu ý, trong quá trình phân luồng, hướng nghiệp, nếu để giáo viên chủ nhiệm tư vấn và khuyên nhủ học sinh sớm học nghề sau lớp 9 thì rất cần các trường nghề tham gia tư vấn. Như vậy sẽ tạo được tính khách quan và tránh gây ra hiểu nhầm trong trường hợp giáo viên chủ nhiệm không đủ kỹ năng tư vấn.