Chứng khoán

Thêm nhiều doanh nghiệp đưa công ty con lên sàn chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp công bố dự định mang cổ phiếu của công ty con lên sàn trong năm 2022. Tính trong nửa đầu năm nay, một số công ty đã hoàn tất thương vụ đưa công ty con lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó có Hoá chất Đức Giang ( HoSE:DGC ) và Tập đoàn Gelex ( HoSE:GEX ).

Hóa chất Đức Giang đưa 25 triệu cổ phiếu PAT của công ty con là CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAC - UPCoM:PAT ) lên sàn UPCoM từ ngày 7/6. PAC được thành lập tháng 1/2014 với vốn điều lệ ban đầu 150 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, vốn điều lệ công ty được nâng lên 250 tỷ đồng và giữ từ đó đến nay. Công ty chuyên sản xuất phốt pho vàng với công suất 20.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tằng Loòng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Trong cơ cấu cổ đông, công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai (công ty con mà Hóa chất Đức Giang sở hữu 100% vốn) sở hữu 51% vốn điều lệ. Chủ tịch Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền và con trai là ông Đào Hữu Duy Anh, lần lượt nắm giữ 7,69% và 9,03% vốn.

Theo thống kê, PAC ghi nhận đà tăng trưởng ở cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận từ năm 2018 đến năm 2021. Năm nay, đơn vị đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.316,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,3% và 134% so với thực hiện năm 2021.

Kết thúc quý I/2022, PAC thu về 997 tỷ đồng doanh thu, tăng 160,4% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm tăng, và sản xuất và tiêu thụ không bị ngừng do dịch Covid-19. Lợi nhuận sau thuế là 348,8 tỷ đồng, gấp 20,8 lần con số 16,8 tỷ đồng của năm trước do doanh thu tăng và tình hình tài chính được cải thiện. Như vậy, doanh nghiệp thực hiện 43% kế hoạch doanh thu và 58,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Thêm nhiều doanh nghiệp đưa công ty con lên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Hóa chất Đức Giang đưa 25 triệu cổ phiếu PAT của công ty con là CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam lên sàn UPCoM từ ngày 7/6.

Trước đó, trong tháng 3, Tập đoàn Gelex ( HoSE:GEX ) đã đưa 300 triệu cổ phiếu GEE của Gelex Electric ( UPCoM:GEE - sub-holding chuyên về mảng sản xuất công nghiệp điện), lên giao dịch tại sàn UPCoM từ 8/3.

Gelex Electric có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, là công ty con của Tập đoàn Gelex với tỷ lệ sở hữu và biểu quyết là 79,99%. Gelex Electric trực tiếp quản lý vốn sở hữu tại công ty con là các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết bị điện như Dây cáp điện Cadivi, Động cơ điện Hem và Vihem, Máy biến áp Thibidi và Mee, Thiết bị đo điện Emic, Dây đồng CFT… và một số doanh nghiệp nhóm nguồn phát điện gồm Phát điện Gelex (sở hữu các nhà máy điện mặt trời, thủy điện) và Gelex Quảng Trị (điện gió) với tổng công suất thiết kế khoảng 210 mW.

Trong chiến lược lâu dài, Gelex Electric định hướng đầu tư vào nguồn phát điện, mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 mW vào năm 2025.

Gelex Electric xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu thuần 19.110 tỷ đồng, tăng 2,1% so với thực hiện 2021; lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 144,5%. Kết thúc quý I, Gelex Electric ghi nhận doanh thu thuần tăng 11% đạt 4.620 tỷ đồng (đạt 24,2% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế tăng gần 141% lên 415,3 tỷ đồng (đạt 20,8% kế hoạch). Đơn vị lý giải mức tăng trưởng lợi nhuận này là do nhiều yếu tố, bao gồm tăng doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, ghi nhân lãi bán khoản đầu tư tài chính và mở rộng sản xuất đầu tư.

Thêm nhiều doanh nghiệp đưa công ty con lên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Tập đoàn Gelex đã đưa 300 triệu cổ phiếu GEE của Gelex Electric lên giao dịch tại sàn UPCoM từ 8/3.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Gelex sẽ thực hiện đại chúng hoá Gelex Hạ tầng (sub-holding chuyên về mảng đầu tư kinh doanh hạ tầng) và niêm yết/đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm nay trên cơ sở tập đoàn Gelex vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối.

Gelex Hạ tầng có vốn điều lệ 7.900 tỷ đồng, là công ty con của Gelex với tỷ lệ lợi ích 92,88% và tỷ lệ biểu quyết 96,71%. Lĩnh vực hoạt động chính bao gồm đầu tư kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại, điện và nước sạch. Theo thông tin Gelex Hạ tầng công bố, đơn vị sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này bao gồm Tổng Công ty Viglacera, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng, CTCP Năng lượng Gelex Quảng Trị, CTCP Hạ tầng Gelex và CTCP Dịch vụ Năng lượng Gelex.

Thêm nhiều doanh nghiệp đưa công ty con lên sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Tập đoàn Gelex sẽ thực hiện đại chúng hoá công ty con Gelex Hạ tầng và niêm yết/đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm nay

Bên cạnh Gelex, PVPower ( HoSE:POW ) cũng có ý định đưa cổ phiếu các công ty con lên sàn chứng khoán, theo trao đổi của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Duy Giang với Người Đồng Hành. Riêng trong năm nay, PV Power sẽ đưa cổ phiếu của Thủy điện Đakđrinh lên giao dịch tại UPCoM.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2022, PV Power hiện có 5 công ty con, trong đó Nhơn Trạch 2 ( HoSE: NT2 ) đã được niêm yết trên HoSE, Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam ( HNX: PPS ) niêm yết trên HNX và Thủy điện Hủa Na ( UPCoM: HNA ) đã đưa cổ phiếu lên UPCoM. Trong năm nay hoặc năm sau, Thủy điện Hủa Na sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu (có thể là HNX) và tương lai doanh nghiệp Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí cũng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Thủy điện Đakđrinh được thành lập từ 2007, vốn 1.169 tỷ đồng và PV Power sở hữu hơn 95% vốn. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án thủy điện Đakđrinh, tại lưu vực sông Đakđrinh thuộc huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Dự án được thiết kế 125 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng đầu tư 5.921 tỷ đồng, sản lượng điện hàng năm 541 triệu kWh, phát điện tổ máy số 1 từ tháng 6 và tổ máy số 2 vào tháng 9 cùng năm 2014.

Ông Giang đánh giá đây là dự án tốt về thủy văn, tận dụng 2 mùa mưa. 6 tháng đầu năm, đơn vị thành viên này ghi nhận lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng. Trong năm 2021, Thủy điện Đakrinh đạt doanh thu 613 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 195 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và gấp 2,4 lần năm 2020.

Thêm nhiều doanh nghiệp đưa công ty con lên sàn chứng khoán - Ảnh 4.

PV Power sẽ đưa cổ phiếu của Thủy điện Đakđrinh lên giao dịch tại UPCoM trong năm nay


Ngoài ra, tại mảng bất động sản, vào tháng 6 năm nay, CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy ( HoSE:TCH ) đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu CRV của Tập đoàn Bất động sản CRV lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Bất động sản CRV là công ty con của Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy với tỷ lệ biểu quyết 81,7%.

Tập đoàn Bất động sản CRV được thành lập từ năm 2006, hoạt động chính trong lĩnh vực phát triển bất động sản. CRV đã thực hiện thành công nhiều dự án như tổ hợp thương mại và căn hộ cao cấp Golden Land Building, tháp văn phòng hiện đại kết hợp TTTM cao cấp Gold Tower, tổ hợp shophouse và căn hộ cao cấp Hoang Huy Grand Tower, tổ hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp Hoang Huy Commerce,... Doanh nghiệp có vốn điều lệ 6.592 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 7.502 tỷ đồng, hoàn toàn không vay nợ.

Về hoạt động kinh doanh niên độ 2021 (kỳ 1/4/2021 – 31/3/2022), Bất động sản CRV ghi nhận doanh thu 410 tỷ đồng, giảm 24% so với niên độ trước; lãi sau thuế 432,5 tỷ đồng, tăng 15,6% nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 222 tỷ đồng lên 334 tỷ đồng.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, việc mua bán tăng mạnh, tỷ lệ lấp đầy về cho thuê bất động sản của Bất động sản CRV trở lại tương đương so với thời điểm chưa bùng dịch bệnh. Bất động sản CRV cũng tiết kiệm các chi phí giúp cải thiện lợi nhuận. Mặt khác, việc hợp nhất công ty con là CTCP xây dựng Đại Thịnh Vượng - chủ đầu tư dự án Hoàng Huy Sở Dầu cũng đóng góp vào kết quả chung.

Thêm nhiều doanh nghiệp đưa công ty con lên sàn chứng khoán - Ảnh 5.

Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu CRV của công ty con là Tập đoàn Bất động sản CRV lên sàn HoSE trong tháng 6.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm