Chuyện làm công sở tưởng chừng nhàn hạ nhưng thực chất tốn kém không tưởng. Đâu chỉ có mỗi tiền xăng xe đi lại, dân công sở còn đối mặt với hàng loạt phí ngầm từ phí xã giao, phí ăn ngoài lẫn một khoản không nhỏ để mua sắm quần áo chăm chút cho diện mạo bên ngoài.
Đủ loại phí phát sinh: Xã giao sương sương 3 triệu, riêng phí mua sắm đã hết gần chục triệu
Hương (21 tuổi, nhân viên thực tập tại Deutsches Haus, Quận 1) chia sẻ về những khoản phí phát sinh khi trở thành nhân viên tại một công ty có văn phòng thuộc hàng xịn xò bậc nhất Quận 1.
“Chi phí xăng xe từ Quận Gò Vấp đã tốn khoản 400 nghìn đồng/ tháng, mình cũng hay đặt trà sữa với nhóm đồng nghiệp cùng công ty, mỗi tuần từ 100-150 nghìn đồng, nhưng khoản tiền cao nhất với mình chắc có lẽ là chi phí đặt đồ ăn ngoài, dù có cố gắng tìm hàng quán rẻ, chịu khó đi xa hay săn mã giảm giá, mỗi bữa trưa mình vẫn tốn ít nhất 45-50 nghìn đồng.” - cô bạn than thở.
Ngọc (trưởng phòng Marketing, Quận 1) cũng đồng cảnh ngộ khi cho biết cô chi tiêu hơn chục triệu mỗi tháng chỉ để… đi làm: “Mọi người nghĩ đi làm văn phòng quần áo xúng xính thì ai không thích, nhưng mà vì lẽ đó nên mình phải sắm đồ thường xuyên, váy áo văn phòng, đầm dự tiệc thôi cũng bay của mình luôn 5 triệu mỗi tháng, phí gặp đối tác mời cả nhóm đi ăn 5 triệu nữa, tổng hơn 10 triệu” - cô vừa cười vừa giải thích. “Vì mình là bộ mặt của công ty, vì vậy nên cũng ăn mặc chỉn chu, nhưng để có được hình ảnh đẹp đó phải đầu tư một khoản không hề nhỏ.”
Cũng cùng quan điểm với Ngọc, Giang (23 tuổi, nhân viên văn phòng Quận 3) cho rằng chỉ mỗi việc ăn ngoài, xăng xe và sắm sửa quần áo, đồ trang điểm đã tốn gần nửa thu nhập của cô nàng. “Mình phải đóng tiền họp nhóm, team building và hay góp tiền mua trà sữa với mấy chị cùng phòng để… đỡ kỳ, chứ không cũng khó làm việc.” - cô nàng cười trừ.
Bão giá với hàng loạt chi phí bủa vây, nhân viên văn phòng chống chọi làm sao?
Hương than thở với mức thu nhập của một nhân viên thực tập vô cùng ít ỏi, cô bạn phải xin trợ cấp từ ba mẹ ở dưới quê. “Lương mình thậm chí không đủ ăn nữa, chỉ đủ tiền xăng xe đi lại và ăn trưa thôi, mình vẫn phải xin mẹ 2 triệu mỗi tháng để trả tiền thuê nhà.” - cô bạn nói.
Khi được hỏi về giải pháp chống chọi mùa bão giá tăng cao, cô bạn chỉ ậm ừ: “Vì mình vừa đi học vừa đi làm nên rất khó để sắp xếp làm cơm sẵn tại nhà, các chi phí khác gần như là cố định rồi nên cũng không thay đổi được gì.”
Còn Ngọc, cô nàng đã có cách chống chọi bão giá bằng cách… ký gửi. “Gần đây mình biết một chỗ ký gửi rất ổn và dồn những quần áo không mặc đi ký gửi để bù đắp chi phí đã mất, mình cũng chăm chỉ tự pha cà phê tại nhà, ít khi đi ăn ngoài, đồ ăn cũng được ba mẹ chồng chuẩn bị sẵn và gửi từ quê lên.” - cô cười.
Còn với Giang, cô đã chủ động nhịn trà sữa “gián đoạn”. “Vì tăng giá ship nên mọi người chi tiêu cẩn trọng hơn, ít khi rủ nhau ăn uống giống hồi trước, chỉ thỉnh thoảng 1-2 lần/ tháng nên mình cũng đỡ.”
Giang cũng bổ sung thêm, thay vì đi xe máy như trước, cô đã chủ động đi làm bằng xe bus và tích cực săn đồ si thay vì mua quần áo công sở ngoài shop. Giang cười: “Đi bus giúp mình tiết kiệm 200-300 nghìn mỗi tháng, riêng đồ si mình hay đi săn tại quận Tân Bình cũng rất rẻ mà đẹp, chỉ tầm 10-40 nghìn/ cái, trong khi ngoài shop đã 300-400 nghìn rồi.”