Khởi nghiệp

Thế hệ lười lao động, không sẵn sàng tìm kiếm việc làm

Đầu tháng 10, trong cuộc họp báo thường niên tại Hà Nội, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao Động, cho biết một hạn chế của thị trường lao động Việt Nam là thất nghiệp ở thanh niên.

“Một hạn chế của thị trường lao động Việt Nam là thất nghiệp ở thanh niên. Thanh niên thì có rất nhiều cơ hội việc làm, tìm kiếm việc làm nhưng tại sao thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao?”, ông Nam đặt vấn đề.

Theo ông, quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ rõ, người lao động được gọi là thất nghiệp (không có việc làm) khi họ sẵn sàng làm việc, đi tìm kiếm việc làm. 

“Ở đây, số việc làm của thanh niên cao nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn lớn là do người ta không sẵn sàng làm việc, không tìm kiếm việc làm. Tức là đang trong thời gian suy thị (đang suy ngẫm, xem xét về hướng đi - pv) hoặc đang trong thời gian tiếp tục nâng cao về trình độ. Đó là một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với một số nước trong khu vực”, Vụ trưởng giải thích.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: AI/ChatGPT).

Theo Tổng cục Thống kế, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III của Việt Nam là 2,24%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với quý trước. Lực lượng lao động trong quý III đạt 53,7 triệu người. Số người có việc làm trong quý là 51,6 triệu người. 

Từ năm 2009 đến nay, dân số Việt Nam trung bình mỗi năm tăng gần 1 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động bổ sung hàng năm tiếp tục tăng, khoảng hơn 600.000 người/năm. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2037.

Mới đây, một cuộc khảo sát của Robert Walters cũng cho thấy được bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động tại Việt Nam. Đó là gần 90% nhân sự Việt Nam muốn thử làm việc 4 ngày/tuần.

88% người lao động Việt Nam muốn doanh nghiệp thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày/tuần. 62% số nhân sự được hỏi tin rằng mô hình này sẽ làm tăng năng suất làm việc.

Trong khi đó, chỉ có 54% nhà tuyển dụng xem đây là mô hình khả thi và tới 66% doanh nghiệp nói rằng họ chưa có ý định thử nghiệm hoặc chuyển sang tuần làm việc 4 ngày trong 1-2 năm tới.

Đa số lao động Việt Nam trong cuộc khảo sát ủng hộ chế độ 4 ngày làm việc bởi họ mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Lý do nữa là họ tin rằng nó sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động. Họ cũng có thêm thời gian cho gia đình và giảm chi phí đi lại.

Tuy nhiên, những người không ủng hộ lo lắng công việc sẽ căng thẳng hơn vì khối lượng công việc không giảm hoặc họ muốn chia đều công việc ra 5 ngày. Gần 30% người được hỏi lo ngại chi phí cá nhân tăng do có nhiều thời gian rảnh hơn ngoài công việc.

Dù vậy, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết sẵn sàng thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày để xem xét tác động đến các yếu tố như sức khỏe của nhân viên và trải nghiệm của khách hàng. Trong số đó, 35% cho biết họ sẽ áp dụng tuần làm việc rút gọn để thu hút và giữ chân nhân tài.

Thực tế, 94% lao động Việt khi được hỏi cảm thấy tích cực khi nộp đơn vào các công ty có tuần làm việc 4 ngày. Đối với những người đang tìm việc, tuần làm việc 4 ngày với mức lương không đổi vẫn là phúc lợi hấp dẫn nhất, tiếp theo là làm việc từ xa và tăng lương. 

So với các quốc gia Đông Nam Á khác, người lao động tại Việt Nam ít lo ngại hơn về việc làm việc tại văn phòng và tương tác với đồng nghiệp. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ mô hình làm việc kết hợp online - offline để có tuần làm việc 4 ngày, nhưng chỉ một số ít sẵn sàng từ bỏ tiền thưởng hoặc tăng lương để có lịch làm việc này. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ít có xu hướng từ bỏ các hoạt động xã hội tại nơi làm việc nhất. Để đổi lại tuần làm việc 4 ngày với mức lương đầy đủ, người lao động sẵn sàng cân nhắc các điều kiện khác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm