Gần 21.000 tỷ đồng trong số này là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ba tháng đến một năm để hưởng lãi suất.
Các khoản tiền đang chiếm hơn 41% trong tổng tài sản của Thế Giới Di Động. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ điện máy giữ lượng tiền mặt nhiều nhất từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Thế Giới Di Động có 944 tỷ đồng thu nhập từ tiền gửi trong nửa đầu năm, gần gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu này đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của công ty trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ khi triển khai chiến dịch "giá quá rẻ" để cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ cùng ngành.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần gần 56.600 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022. Chuỗi điện thoại và điện máy đóng góp 41.500 tỷ đồng, tương đương 74%. Phần còn lại đến từ chuỗi bách hóa, nhà thuốc, đồ dùng cho mẹ và bé.
Lợi nhuận sau thuế của công ty này xấp xỉ 39 tỷ đồng, chưa bằng phần lẻ của cùng kỳ. Kết quả này hoàn thành chưa đến 1% mục tiêu lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng.
Hồi đầu năm, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết sức mua điện thoại và điện máy tại hệ thống này giảm mạnh hơn dự báo. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra, ngay cả với nhóm khách hàng trung cao cấp. Xu hướng tiết kiệm chi tiêu cũng xuất hiện ở các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm.
Dự báo khó khăn kéo dài nên Thế Giới Di Động ưu tiên duy trì doanh thu và bảo vệ dòng tiền. Công ty đã tăng cường giảm giá, khuyến mãi nhằm giữ chân khách hàng cũ và hút thêm khách hàng mới. Ban lãnh đạo công ty nhận định việc này có ý nghĩa quan trọng để gia tăng thị phần và tăng trưởng nhanh khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục.