Tài chính

Thay một hướng rẽ, doanh nghiệp này vừa có doanh thu cao nhất lịch sử

Trong BCTC quý 4/2023, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (HoSE: PDN) ghi nhận doanh thu gần 335 tỷ đồng, tăng 28% nhờ đóng góp lớn từ hoạt động khai thác, đồng thời việc giá vốn chỉ tăng 17%, ít hơn so với doanh thu đã góp phần đưa lợi nhuận gộp tăng 51%, lên 121 tỷ đồng.

Trong cả năm 2023, Cảng Đồng Nai đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu và 295 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 9.3% và 26% so với cùng kỳ năm trước đó. Kết quả này giúp Cảng Đồng Nai hoàn thành vượt 20% tổng doanh thu và 36% lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch năm.

Với mức doanh thu trên, Cảng Đồng Nai này tiếp tục phá kỷ lục năm 2022, ghi nhận mức doanh thu cao nhất lịch sử doanh nghiệp.

Theo doanh nghiệp, kết quả khả quan này có được do Cục Quản lý Đường bộ chấp thuận cho xe ô tô hướng từ TP HCM sau khi qua cầu Đồng Nai được phép rẽ phải vào cảng Đồng Nai. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khu vực Bình Dương và TP HCM đi vào cảng.

Cùng đó, cảng Đồng Nai đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng làm hàng container kịp thời, giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa để có thể đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc thành lập Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảnh Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng xuất khẩu hàng sắt, thép vận chuyển đi Campuchia.

Đồng thời, khu vực cảng Long Bình Tân đưa vào khai thác thêm 98m chiều dài cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5 ngàn DWT, góp phần giảm áp lực cầu cảng và làm sản lượng ngành hàng container tăng 56% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, năm qua, PDN cũng có một số bất lợi. Trong đó có việc ngành hàng tổng hợp bị sụt giảm 16% do sự cạnh tranh của các cảng, các bến thủy nội địa như tại Phú Mỹ, Nhơn Trạch với lợi thế giá dịch vụ cạnh tranh, quãng đường di chuyển ngắn, tiết giảm được chi phí nên nguồn hàng và khối lượng hàng sắt thép, xây dựng, tôn cuộn qua cảng Đồng Nai giảm sâu.

Cùng đó, một lượng hàng lớn trước kia được xếp dỡ tại cảng thì nay đã chuyển cảng khác để thuận tiện hơn trong việc thuê tàu.

Thay một hướng rẽ, doanh nghiệp này vừa có doanh thu cao nhất lịch sử- Ảnh 1.

Trong năm 2023, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai ghi nhận doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.

Cảng Đồng Nai đầu tư, nâng năng suất thêm 30%

Ông Nguyễn Văn Ban, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai (gọi tắt là Cảng Đồng Nai, đơn vị đang quản lý, vận hành cảng Gò Dầu và cảng Long Bình Tân) cho biết với Báo Đồng Nai, năm 2023, Cảng Đồng Nai đạt doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch 17%.

Theo ông Ban, kết quả trên là sự nhạy bén, nỗ lực của công ty để vượt qua khó khăn. Cuối năm 2023, Cảng Đồng Nai đã đầu tư thêm 1 cầu cảng và 2 cẩu, giúp cho năng suất hoạt động vận chuyển hàng hóa của Cảng Đồng Nai tăng hơn 30%.

Bên cạnh đó, Cảng Đồng Nai tập trung khai thác các thị trường mới như: Tây Ninh, Bình Phước, Campuchia; ngành hàng mới (phế liệu, lốp cao su) từ hướng Tây Ninh về để xuất khẩu ra nước ngoài.

Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cảng Đồng Nai đã có chính sách miễn lưu bãi đối với một số đối tượng hàng hóa container trong suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 8 (tức 29 Tết) đến 14/2 (mùng 5 Tết).

Cảng Đồng Nai là điểm kết nối, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các vùng Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Lào, Campuchia... Hiện Cảng Đồng Nai có hàng chục sà lan trung chuyển hàng hóa có sức chứa tối đa đến 256 container/sà lan.

Năng suất vận chuyển hàng hóa của Cảng Đồng Nai góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng logistics, cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển đường bộ cho doanh nghiệp cũng như giảm áp lực giao thông, giảm lượng khí phát thải ra môi trường…

Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai tọa lạc tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, cung ứng cho các khu công nghiệp như: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Loteco, Amata, Hố Nai, Sông Mây, Nhơn Trạch, TP HCM và các KCN lân cận khác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm