Sau giai đoạn tăng nóng và bùng nổ lợi nhuận ở năm 2021, thị trường chứng khoán liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh khiến VN-Index lao dốc 33% trong năm 2022 với sự hạ nhiệt đáng kể về mặt thanh khoản. Là một trong các đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến tiêu cực của thị trường, hàng hoạt công ty chứng khoán chứng kiến lợi nhuận giảm sâu, thậm chí thua lỗ trong năm 2022.
Bước sang năm 2023, thị trường chứng khoán đã đi được hơn ¼ chặng đường nhưng xu hướng chung vẫn nhuốm màu ảm đảm. Dù vậy, nhiều công ty chứng khoán vẫn tự tin với các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số các công ty chứng khoán đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên, Chứng khoán VICS (Mã: VIG) là đơn vị đặt kế hoạch tham vọng nhất với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 gấp 19 lần mức thực hiện năm 2022. Chỉ tiêu doanh thu hoạt động dự kiến tăng 65% lên 118,8 tỷ đồng.
Theo sau, Chứng khoán BIDV (BSC - Mã: BSI) đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, tăng 279% so với thực hiện năm 2022. Ngoài ra, BSC còn đặt mục tiêu vào top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE trong năm 2023.
Đánh giá về thị trường năm nay, ban lãnh đạo của BSC cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện với nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.
Năm 2023, Chứng khoán VPBank (VPBankS) lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 197% lên hơn 1.608 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu dự kiến 2.501 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm ngoái. Trong giai đoạn vừa qua công ty chứng khoán này tích cực tăng vốn lên top đầu thị trường.
Một công ty chứng khoán khác cũng thuộc sở hữu của ngân hàng là VietinBank Securities (Mã: CTS) vừa thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt hơn 230 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái.
Tương tự, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 gấp 2,3 lần năm trước, đạt 497 tỷ đồng.
Mặc dù không đặt kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần, Chứng khoán Phú Hưng (Mã: PHS) cũng nằm trong nhóm có tham vọng tăng trưởng cao khi dự kiến lãi trước thuế năm 2023 là 145 tỷ đồng, cao hơn 97%.
Dù dự báo quy mô giao dịch có thể giảm năm 2023, Chứng khoán MB (Mã: MBS) vẫn đặt chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng 37%, lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 36% lên 900 tỷ đồng.
MBS dự kiến mở rộng nguồn vốn bằng phương án phát hành gần 45,7 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 11,4 triệu cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ thêm 15%.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên mới công bố, Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 31% lên 230 tỷ đồng.
Ông lớn trong ngành là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng ấp ủ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 với doanh thu 6.917 tỷ đồng, tăng 9% so với năm ngoái; và lợi nhuận trước thuế 2.540 tỷ đồng, tăng 20%. Đây là mức kế hoạch lợi nhuận cao nhất thị trường trong năm nay.
Để tăng cường năng lực tài chính cho công ty, SSI dự kiến chào bán tối đa 104 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Dự kiến sau khi chào bán, Chứng khoán SSI sẽ sở hữu vốn điều lệ lớn nhất thị trường với hơn 16.000 tỷ đồng.
Một cái tên khác là Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) đặt chỉ tiêu doanh thu 2.763 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm ngoái; và lợi nhuận trước thuế 852 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1%.
Mặc dù chưa rõ cơ sở để các doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2023, có thể thấy một số doanh nghiệp trong nhóm này là các công ty chứng khoán quy mô nhỏ, có mức nền lợi nhuận năm 2022 ở mức thấp do chịu ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chung. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn thuộc Top đầu ngành vẫn đang nỗ lực mở rộng quy mô như MBS, SSI bất chấp bối cảnh chung có phần ảm đạm.
Ở phía ngược lại, nhiều công ty chứng khoán vẫn tỏ ra thận trọng khi đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 "đi lùi" so với năm trước, điển hình như Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS) dự kiến lãi trước thuế giảm 34% so với năm trước, xuống 420 tỷ đồng.
Lãi đậm trong năm 2022, tuy nhiên Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) lại không tự tin với triển vọng năm 2023 khi dự kiến lãi trước thuế giảm 22% về 2.386 tỷ đồng.
Dự báo thanh khoản năm 2023 giảm hơn một nửa, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 16% về 901 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến đạt 2.338 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái.
Tương tự, một công ty chứng khoán quy mô nhỏ là Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (Mã: CSI) cũng đặt kế hoạch lãi sau thuế thấp hơn 5% so với năm 2022 về mức 12 tỷ đồng.
Theo tài liệu họp đã công bố, Chứng khoán Bản Việt (VCSC - Mã: VCI) lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm trước, chỉ tiêu doanh thu giảm 12% trong khi chỉ tiêu lợi nhuận giảm 6%.
Tính đến hiện tại, số công ty chứng khoán đặt kế hoạch tăng trưởng vẫn đang chiếm ưu thế tuy nhiên vẫn có những đơn vị dự báo lãi giảm cho thấy bức tranh kinh doanh của ngành có xu hướng phân hóa.
Kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán được xây dựng trên triển vọng của thị trường. Vì lẽ đó các mục tiêu tăng trưởng trái chiều cho thấy dự báo về triển vọng tăng trưởng của thị trường năm 2023 còn nhiều yếu tố bất định.