Từ lâu, nhiều người đã ví nước dừa như một thức uống kỳ diệu. Nó là một trong những thức uống tốt nhất để chống lại cái nóng mùa hè. Đồng thời, cũng là một thức uống thể thao tự nhiên mạnh mẽ nhất, giúp tăng cường năng lượng tức thì.
Nước dừa có hàm lượng calo thấp, nhưng lại chứa các enzym và khoáng chất tự nhiên như kali khiến nó trở thành một loại thức uống không gây tăng cân, lại rất có lợi cho làn da.
Tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc không biết nước dừa có thật sự sạch, đảm bảo độ an toàn hay không. Mới đây, kênh Tiktok "Kinhhienvi97" đã thực hiện clip soi nước dừa dưới kính hiển vi để giải đáp các thắc mắc của mọi người.
Sự thật soi nước dừa dưới kính hiển vi.
Theo chủ clip: "Nước dừa tự nhiên là một loại nước uống có tác dụng giải khát và bổ dưỡng. Vậy các bạn có biết trong nước dừa có gì không? Nước dừa chứa đường, chất béo, axit amin và các enzym, các vitamin tốt cho sức khỏe. Nước dừa 90% là nước và rất ít chất béo.
Nước dừa tốt nhưng không phải uống nhiều là tốt. Chống chỉ định cho người đái tháo đường, người suy thận, huyết áp thấp".
Ở mức phóng đại 40 lần, có thể dễ dàng quan sát thấy nước dừa khá sạch, trong, chủ yếu chỉ chứa xơ dừa chứ không chứa virus, vi khuẩn nguy hiểm. Do đó, mọi người có thể an tâm sử dụng thức uống này mỗi ngày. Tuy nhiên nước dừa không nên lạm dụng, uống nước dừa quá nhiều có thể gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn.
4 sai lầm tai hại trong bữa sáng khiến đường huyết tăng vọt mất kiểm soát, có thể đe dọa sức khỏe của người tiểu đường
1 sai lầm nguy hiểm khi uống nước dừa có thể gây hại cho nội tạng
Sai lầm nguy hiểm nhất khi uống nước dừa đó là nghĩ chúng tốt và uống quá nhiều. Thời điểm tốt nhất để uống nước dừa là vào buổi sáng khi bụng đói. Mỗi người khỏe mạnh chỉ nên uống 3-4 trái/tuần, không nên uống liên tục trong nhiều ngày.
Việc uống quá nhiều nước dừa có thể gây hại như sau:
- Làm mềm yếu gân cơ: Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nước dừa khi uống với liều lượng nhiều quá mức cho phép sẽ làm giảm huyết áp nhanh chóng, đồng thời làm mềm yếu gân cơ.
- Hại thận: Nước dừa chứa hàm lượng lớn kali, có công dụng như một chất lợi tiểu tự nhiên giúp thận dễ dàng thải nước ra ngoài. Tuy nhiên, những người thận yếu nếu tiêu thụ quá nhiều nước dừa sẽ làm thận phải hoạt động nhiều hơn, từ đó gây hại cho sức khỏe của thận.
- Gây cảm lạnh: Trong Đông y, nước dừa tính mát. Người sức khỏe yếu nếu uống nhiều nước dừa có thể gây ra bệnh cảm lạnh. Ngoài ra, người cảm lạnh đi kèm với các triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, ớn lạnh cần tránh sử dụng nước dừa để không gia tăng cảm giác khó chịu, đồng thời cản trở quá trình chữa bệnh.
- Gây hạ huyết áp: Uống nước dừa có thể làm giảm huyết áp đáng kể. Chính vì vậy, bệnh nhân huyết áp thấp cần cân nhắc khi uống nước dừa để không làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Gây dư thừa calo: Mặc dù lượng đường trong nước dừa không nhiều như trong các loại đồ uống hay sinh tố trái cây khác nhưng chúng vẫn chứa một lượng không nhỏ carbohydrate, có thể gây ra tình trạng dư thừa calo.
- Tăng kali máu: Uống quá nhiều nước dừa sẽ gây ra tình trạng tăng kali máu, gây mất cân bằng điện giải, từ đó dẫn đến suy nhược, choáng váng và mất ý thức.
Lưu ý khi uống nước dừa
Nước dừa chỉ có giá trị dinh dưỡng khi được dùng ngay sau khi vừa được bổ hoặc khi vừa bật nắp chai (với loại nước dừa đóng chai). Nước dừa dễ lên men, theo thời gian, hàm lượng dinh dưỡng của chúng sẽ bị suy giảm nếu tiếp xúc với không khí. Nếu bạn thấy nước dừa chuyển màu, có vị chua thì nên loại bỏ ngay vì lúc này uống nước dừa sẽ gây tổn hại cho hệ tiêu hóa.
Bệnh nhân tiểu đường, người mắc bệnh thận, người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, người đang bị đau bụng kinh, người bệnh trĩ, huyết áp thấp, cảm lạnh... thì cần tránh uống nước dừa vì tình trạng sức khỏe sẽ bị suy giảm.