Quy định mới về việc nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài giao dịch không phải kí quỹ và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi của FTSE đang giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư ngoại.
Nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh gom hàng
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI) vừa công bố nghị quyết thông qua phương án phát hành riêng lẻ với khối lượng 143,6 triệu cổ phiếu, tương đương 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu đang dao động quanh 35.000-36.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt chào bán gồm 66 cá nhân và tổ chức. Đáng chú ý, Pyn Elite Fund, một quỹ ngoại đến từ Phần Lan là nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua khối lượng lớn nhất với 21,5 triệu cổ phần, tương ứng với 15% tổng lượng chào bán, tỷ lệ 2,99% vốn sau phát hành.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, Nhà điều hành quỹ này cho biết: Pyn Elite Fund đã tham gia vào một đợt chào bán riêng lẻ của công ty môi giới chứng khoán hàng đầu Việt Nam với mức giá hấp dẫn so với giá cổ phiếu trên thị trường.
Việc cơ quan quản lý là Bộ Tài chính ban hành quy định mới, về việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu cần có đủ tiền khi đặt lệnh là động lực quan trọng đằng sau quyết định đầu tư này. Thay đổi này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11/2024 và có khả năng sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài Pyn Elite Fund, nhiều quỹ ngoại cũng tham gia mua cổ phiếu VCI đợt này với khối lượng lớn. Chẳng hạn như Apolo Asia Fund, quỹ đầu tư của Malaysia đăng ký mua 12,7 triệu cổ phiếu; ACM Global Fund (Singapore) mua 8,5 triệu cổ phiếu; VEIL mua 7,5 triệu cổ phiếu; Amersham Industries Limited (6,8 triệu cổ phiếu); DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (5 triệu cổ phiếu)...
Không chỉ tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ, khối ngoại cũng đẩy mạnh “gom” cổ phiếu của các công ty chứng khoán thuộc top đầu về thị phần môi giới hiện nay.
Chẳng hạn như cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (HOSE) – Top 2 thị phần môi giới trên HOSE, trong 2 tuần giao dịch gần đây, có tới 9/10 phiên khối ngoại mua ròng cổ phiếu này, khối lượng giao dịch tăng mạnh trong các phiên.
Đặc biệt, trong phiên 19/9, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư có thể đặt lệnh mà không cần ký quỹ, SSI được khối ngoại mua ròng lên tới hơn 8 triệu cổ phiếu. Ước tính, khối ngoại đã chi hơn 800 tỷ đồng để “gom” cổ phiếu SSI trong 10 phiên qua.
HCM – cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng liên tiếp kể từ ngày 18/9 đến nay, với giá trị mua ròng hơn 280 tỷ đồng. Một số cổ phiếu chứng khoán khác cũng được khối ngoại mua ròng, nhưng có giá trị vào ròng thấp hơn như SHS, MBS...
Cẩn trọng với những rủi ro có thể phát sinh
Thực tế cho thấy, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất, dòng vốn ngoại có xu hướng chuyển sang mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, kể từ sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thông tư này cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền, có hiệu lực kể từ ngày 2/11/2024. Theo giới phân tích, quy định này có khả năng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025 và hỗ trợ dòng vốn từ nhà đầu từ nước ngoài đảo chiều sang mua ròng.
Các công ty chứng khoán sẽ là đối tượng hưởng lợi chính từ những điều này. Do đó, việc dòng vốn ngoại vào ròng nhóm cổ phiếu này trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu, ngay cả khi định giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán cao hơn nhiều nhóm cổ phiếu khác trên thị trường. Tuy nhiên, với quy định mới trên, các công ty chứng khoán cũng cần chuẩn bị tâm lý với sự biến động mạnh của thị trường, khi rủi ro hệ thống cũng sẽ tăng lên.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chuyên gia Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi khi phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn nhờ gia tăng thu nhập từ mảng môi giới khi thanh khoản gia tăng. Bên cạnh những lợi ích, còn có rủi ro tiềm ẩn như rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau T+2 sau khi mua.
Do đó, các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ kí quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp. Rủi ro này là thấp khi xét đến uy tín của các tổ chức nước ngoài và mục tiêu lâu dài là duy trì đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là không thể phủ nhận.
Theo VNDirect, để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán có thể cạnh tranh dựa trên phí giao dịch; tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua); tổng giá trị vốn được ứng trước; và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Đối với yếu tố đầu tiên, mặc dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch. Đối với yếu tố thứ hai, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh.
Yếu tố thứ ba sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty, vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt. Điều này sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 5 lần.
“Các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài”, chuyên gia của VNDirect nhận định.