Doanh nghiệp

Thay đổi liên minh hãng tàu tác động ra sao đến doanh nghiệp cảng Việt Nam?

Ngành cảng biển thế giới sẽ chứng kiến biến động lớn trong năm 2025 với sự kiện tái cấu trúc liên minh các hãng tàu lớn, dự kiến sẽ tạo ra những thay đổi về luồng hàng hóa trên các tuyến hàng hải chính.

Kể từ tháng 2, thị trường vận tải container đường biển trên toàn cầu sẽ có 4 nhóm đối thủ cạnh tranh chính gồm 3 liên minh và 1 hãng tàu lớn MSC. 

Maersk sẽ hợp tác cùng Hapag-Lloyd để tạo nên Gemini. Hapag-Lloyd rời The Alliance, liên minh này được đổi tên thành Premier Alliance với ba thành viên ONE, YangMing, HMM. Trong khi Ocean Alliance không có sự thay đổi và MSC gần như hoạt động độc lập. 
 
Trong đó, liên minh Gemini sẽ vận hành theo hình thức Hub & Spoke (trục – nan hoa). Điều này giúp giảm số chân cảng và tăng tần suất sử dụng tàu Feeder, mở rộng đội tàu ít hơn đối thủ và tối ưu tính linh hoạt. 

Các liên minh còn lại sẽ phát triển theo hướng tăng sự kết nối cảng – cảng trên hai tuyến hàng hải chính Châu Á – Bắc Mỹ và Châu Á – Châu Âu.

 Sự thay đổi về liên minh các hãng tàu. Nguồn: VDSC. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định việc tái cấu trúc liên minh nhìn chung giúp các cảng nước sâu của Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ưa thích, bởi xu hướng mở rộng đội tàu với kích thước ngày càng lớn và tăng tần suất/thêm chân cảng để mở rộng thị phần trên các tuyến hàng hải trọng yếu. 

Khu vực Hải Phòng sẽ có những biến động về thị phần, MSC và Maersk lần lượt là đối tác chiến lược của công ty Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) và Hateco tại hai cảng Lạch Huyện bến 3-4 và bến 5-6, sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ.   

Ngược lại, cảng Nam Đình Vũ (thuộc sở hữu của Gemadept - Mã: GMD) có thể bị giảm thị phần do MSC hiện đang khai thác hai tuyến cố định mỗi tuần sẽ dời ra Lạch Huyện 3&4. Các cảng Viconship (Mã: VSC) là điểm đến ưu tiên của Maersk nhưng không phải tuyến khai thác cố định, nên mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn so với Gemadept. 

Đối với khu vực Cái Mép – Thị Vải, VDSC đánh giá sự kiện thay đổi liên minh hãng tàu không tác động quá lớn đến thị phần của hai cảng Gemalink (thuộc Gemadpet) và CMIT, nhờ sự hoán đổi giữa Hapag-Lloyd và MSC. 

Đối với thị trường hàng hải quốc tế, giá cước vận tải biển được dự báo giảm do khả năng cung ứng đang cao hơn so với nhu cầu vận chuyển và sự cạnh tranh về thị phần trên các tuyến hàng hải trọng yếu của các liên minh. 

Triển vọng về thuê định hạn sẽ tích cực hơn phân khúc vận tải nhờ nhu cầu thuê tàu cao. Các hãng sẽ tăng thuê tàu Feeder hoạt động trên tuyến nội khu hoặc gom hàng, giá trị thuê thấp hơn nhiều so với đầu tư tàu mới, linh hoạt theo mùa vụ. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm