Chứng khoán

"Thầy A7" của nhiều chứng sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn bị VPS bán giải chấp cổ phiếu L14

Mới đây, Chứng Khoán VPS vừa đưa ra thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán ký quỹ của Khách hàng là người nội bộ của Công ty cổ phần LICOGI 14 (mã chứng khoán: L14).

Cụ thể, VPS thực hiện bán giải chấp 200 cổ phiếu L14 do ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT L14 sở hữu, dự kiến thời gian giao dịch trong phiên 28/3/2022. 

Tới nay, trên website của L14 và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn chưa có văn bản báo cáo về kết quả giao dịch trên.

Thầy A7 của nhiều chứng sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn bị VPS bán giải chấp cổ phiếu L14 - Ảnh 1.

Nguồn: VPS

Xét về diễn biến của cố phiếu L14 trên sàn, cổ phiếu này được đánh giá như một chú ngựa ô hồi cuối năm 2021 trong cơn sóng tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Cụ thể, bắt đầu từ 12/10, cổ phiếu L14 bất ngờ tăng mạnh, vượt 200.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng hơn nửa tháng. Chuỗi tăng tiếp tục được kéo dài sang tận đầu năm 2022, và thị giá L14 có thời điểm đã tăng gấp hơn 8 lần giá lúc đầu năm 2021, ẵm luôn vị trí cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.

Đến nay, thị giá đã hạ nhiệt trong bối cảnh áp lực bán gia tăng tại những nhóm cổ phiếu dòng đầu cơ, kết phiên 20/4, L14 đạt 246 đồng/cp, giảm hơn 5% kể từ đầu năm và chiết khấu tới 44% kể từ mức đỉnh 440.000 đồng (phiên 12/1/2022). Tạm tính theo mức giá này, 200 cổ phiếu L14 có giá trị khoảng hơn 49 tỷ đồng,

Thầy A7 của nhiều chứng sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn bị VPS bán giải chấp cổ phiếu L14 - Ảnh 2.

Giá L14 đã chiết khấu tới 44% kể từ mức đỉnh 440.000 đồng/cp (phiên 12/1/2022)

Còn về vị lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1970), ông được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT L17 từ tháng 4/2016. Theo báo cáo quản trị của L14, tính đến 31/12/2021, ông Tuấn sở hữu 159.469 cổ phiếu L14, tương đương 0,594% vốn điều lệ của công ty. Bà Nguyễn Thúy Ngư, người nhà của ông Nguyễn Mạnh Tuấn nắm giữ hơn 1,3 triệu cổ phiếu L14, tương đương 4,974% vốn.

Ông Tuấn còn được nhiều chứng sĩ biết đến với cái tên “Nhà đầu tư 1970” hay A7, thậm chí còn được gọi là "thầy chứng khoán". Bởi lẽ vào thời điểm cuối năm 2021, khi "con sóng" cổ phiếu bất động sản - xây dựng bắt đầu khuynh đảo thị trường chứng khoán với hàng loạt chuỗi tăng kịch trần liên tiếp nhiều phiên, một tài khoản Facebook có tên "Nguyễn Mạnh Tuấn" liên tục đăng tải những bài viết có nội dung liên quan đến nhóm cổ phiếu này và chỉ đích danh đến các mã cổ phiếu như CEO, DIG, DRH...

Những cổ phiếu này khi đó cũng là những cái tên nổi nhất với mức tăng chục lần chỉ sau 1 thời gian ngắn.

Sau đó, trong BCTC quý 4/2021, L14 lập tức được chú ý với mảng hoạt động đầu tư tài chính khi bất ngờ phát sinh khoản lãi đầu tư cổ phiếu 376 tỷ đồng quý 4/2021. Con số lũy kế cả năm lên đến hơn 385 tỷ đồng trong khi năm trước chưa hề có khoản thu này. Nhờ đó, khoản doanh thu tài chính cũng tăng đột biến lên hơn 397 tỷ đồng trong khi các năm trước đỉnh điểm cũng chỉ ở mức 18 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi.

Thời điểm cuối năm 2021, khoản mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 chiếm gần 42% tổng tài sản, lên đến 486 tỷ đồng. Toàn bộ được rót vào 2 cổ phiếu "hot" ngành bất động sản là CEO (298 tỷ đồng) và DIG (188 tỷ đồng). Giá trị hợp lý của danh mục lên đến gần 816 tỷ đồng trong đó công ty tạm ghi lãi 239 tỷ đồng với CEO và 91 tỷ đồng với DIG tại thời điểm cuối năm 2021.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính là bất động sản gặp khó khăn, lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán trở thành yếu tố quyết định giúp lợi nhuận Licogi 14 tăng trưởng trở lại sau 2 năm liên tiếp đi lùi. Kết quả năm 2021, LNTT của Licogi 14 đã tăng gấp 10,5 lần lên 433 tỷ đồng nhưng riêng lãi đầu tư chứng khoán đóng góp đến 385 tỷ đồng.

Thầy A7 của nhiều chứng sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn bị VPS bán giải chấp cổ phiếu L14 - Ảnh 3.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm