Tài khoản mạng xã hội "Big Face Brother" gần đây gây chú ý tại Trung Quốc sau khi đăng video kể lại hành trình từ người dẫn chương trình truyền hình chuyển sang làm shipper. Nội dung thu hút hơn 3 triệu lượt xem, tạo ra cuộc thảo luận rộng rãi về áp lực nghề nghiệp, tuổi tác và khả năng tái thích nghi trong xã hội hiện đại.
Video hơn 3 triệu lượt xem của tài khoản "Big Face Brother". Video: Douyin
Chủ tài khoản cho biết năm 2021, anh tốt nghiệp chuyên ngành phát thanh - dẫn chương trình và được nhận vào làm MC thời sự tại một đài truyền hình địa phương ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Dù công việc được nhiều người đánh giá là "ổn định và đáng mơ ước", anh chủ động nghỉ vì cảm thấy còn nhiều thiếu sót về chuyên môn. Anh giải thích: "Tôi nhận ra dẫn chương trình thời sự cần phải khéo léo và linh hoạt nhưng tôi lại không giỏi điều đó. Là người học ngành khoa học, tôi cũng cảm thấy khó thích nghi với các mối quan hệ và nguyên tắc vận hành trong đài truyền hình".
Hai năm sau, anh quay về đài với hy vọng khởi động lại sự nghiệp. Tuy nhiên, mức lương chỉ còn 2.200 NDT/tháng. Ngoài dẫn chương trình, anh còn phải kiêm nhiệm viết kịch bản, biên tập, lồng tiếng và tìm tài trợ. "Tôi giống như một con quay tốc độ cao, lúc nào cũng phải hoạt động", nam MC cho biết, đồng thời kể về việc phải luyện tập trước gương để luôn "nở nụ cười công nghiệp".

Chàng trai 27 tuổi từng là phát thanh viên tại Đài truyền hình Hồ Nam. Ảnh: Sohu
Sau khi rời đài lần thứ hai, anh thử sức với 10 công việc: làm MC ẩm thực, bán khóa học online, chăm sóc khách hàng, hướng dẫn viên du lịch, người mẫu, giáo viên dạy phát thanh cho trẻ em, phát trực tiếp... nhưng không có việc nào ổn định. Với nghề chăm sóc khách hàng qua điện thoại, anh cho biết chỉ sau vài ngày đã nhận được hàng loạt cuộc gọi mắng chửi vì làm phiền mọi người. Khi ứng tuyển làm người mẫu tại khu du lịch, anh bị từ chối vì "khuôn mặt quá to, không ăn ảnh". Anh cho biết biệt danh "Big Face Brother" ra đời từ đó. Ngay cả khi chuyển sang dạy phát thanh cho trẻ nhỏ, anh vẫn thất bại: "Tôi không thể chịu nổi việc bị cả lớp hét vào tai mỗi ngày". Bất lực, anh thử dự thi công chức và biên chế nhưng đều không đỗ. Anh ví mình như "giám định viên nghề nghiệp" bởi đã thử đủ nghề nhưng không thể làm lâu dài.
Tháng 5/2024, chàng trai 27 tuổi chuyển sang làm nhân viên giao đồ ăn. Trái với tưởng tượng của nhiều người, anh gọi đây là "thời gian thư giãn nhất trong vài năm qua". Nam shipper giải thích: "Tôi mệt về thể chất, nhưng không hề mệt mỏi về tinh thần. Cuối cùng tôi cũng có thể tự sắp xếp thời gian, quay video mình muốn và không còn phải nhìn sắc mặt sếp nữa". Một số video anh quay lại trong quá trình làm việc như giúp cụ già tìm chó cưng bất ngờ đạt hàng triệu lượt xem, có video vượt 100 triệu lượt. Trước nghi vấn diễn để nổi tiếng, anh nói: "Tôi chỉ bắt đầu quay video sau khi làm shipper được hai tháng. Loại hạnh phúc này không thể diễn được".
Cựu MC truyền hình cho biết hài lòng với công việc shipper hiện tại. Ảnh: Sohu
Dưới các video của "Big Face Brother", một số người bày tỏ đồng cảm, cho biết từng chứng kiến sinh viên y khoa phải rửa bát khi thực tập hay sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh được tuyển dụng làm nhân viên đọc công tơ điện. Có người kể, chỉ vài năm trước họ còn lái xe sang, có chức vụ trong doanh nghiệp, nhưng nay đã chuyển sang công việc giao hàng hoặc bán hàng rong. "Không thể coi đó là sự thất bại. Đó là một kiểu thích nghi. Sống sót giữa vòng xoáy thay đổi của xã hội đã là thành công", một người viết.
Năm 2003, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin một nghiên cứu sinh triết học phải giao đồ ăn sau khi thất nghiệp. Gần đây, ngày càng nhiều người ở độ tuổi ngoài 30, dù có bằng cấp và kinh nghiệm, vẫn phải làm những công việc tay chân để mưu sinh.
Theo số liệu công bố tháng 5/2025 trên Reuters, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi (không tính học sinh, sinh viên) là 14,9%. Dù con số đã giảm so với mức đỉnh 21,3% giữa năm 2023, đây vẫn là báo động về áp lực cạnh tranh trên thị trường việc làm.
Theo Chinadaily, tại Trung Quốc, độ tuổi 35 thường được coi là "giới hạn" trong tuyển dụng. Dù có học vấn và kinh nghiệm, người lao động lớn tuổi thường bị từ chối vì các doanh nghiệp ưu tiên nhân sự trẻ, linh hoạt và yêu cầu lương thấp hơn. Điều này khiến khả năng tìm được việc phù hợp sau tuổi 35 trở nên khó khăn hơn nhiều. Cùng lúc đó, tốc độ đổi mới ngành nghề cũng khiến người lao động truyền thống gặp trở ngại.