Liên quan tới tác động của hàng rào thuế quan mới nhất từ Mỹ, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đánh giá, thuế quan toàn cầu không tác động trực tiếp, nhưng ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả, tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng trong nước.

Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Eximbank, phát biểu tại sự kiện
ẢNH: NĐT
Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Eximbank, phân tích thuế quan mới của Mỹ tác động đến tiêu dùng nội địa ở nhiều mặt.
Thuế của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc khiến giá hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể tăng. Nhiều nguyên liệu, linh kiện Trung Quốc được dùng trong sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam khiến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến giá bán lẻ nội địa.
Với các nhóm hàng có chuỗi cung ứng toàn cầu (điện tử, hàng điện máy, xe cộ…), giá cả có thể bị đẩy lên, từ đó ảnh hưởng sức mua.
"Đáng chú ý, tâm lý lo ngại lạm phát quay lại, giá hàng hóa chưa tăng hôm nay nhưng sẽ tăng trong vài tháng tới khiến người dân dè chừng chi tiêu, nhất là với các khoản lớn", ông Thắng nói.
Cơ hội cho hàng tiêu dùng nội địa lên ngôi
Theo ông Thắng, thuế quan của Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay phải đạt tốc độ 12% là con số rất thách thức
ẢNH: NĐT
Chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm trên 53 - 57% GDP Việt Nam, tức cầu nội địa là động lực chính của tăng trưởng. Tín dụng tiêu dùng tạo đòn bẩy tài chính giúp hộ gia đình mua sắm, nâng cấp nhà cửa, xe cộ, học hành… sớm hơn, từ đó kích cầu sản xuất và dịch vụ.
Để kích cầu tiêu dùng và lan tỏa tín dụng, ông Thắng đề xuất phối hợp với doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử để triển khai các chương trình khuyến mãi trả góp 0%, combo hàng - vay tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ (thuế, tiêu dùng xanh, hỗ trợ mua hàng nội) với các gói vay ưu đãi.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết: trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60 - 65% tùy từng năm.
Để đạt tăng trưởng GDP như vậy, tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%, rất thách thức. Với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái.
Thời gian tới, Bộ Công thương nhấn mạnh giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ.
Ông Tuấn cũng đề cập tới giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Theo đó, Bộ Công thương đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao…
Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, Việt Nam có 100 triệu dân, là thị trường hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài.
"Chúng ta nói nhiều về thị trường trong nước nhưng ít quan tâm đến chính sách thị trường. Ở Nhật Bản, hàng tốt nhất là người Nhật tiêu dùng, như thế họ mới cố gắng sản xuất tốt hơn nữa. Việt Nam nên thay đổi cách tiếp cận, khuyến khích việc sản xuất cho người Việt Nam sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý", ông Mại nhấn mạnh.