Doanh nhân

Thấp thỏm với chung cư tầng cao sau rung lắc

Tóm tắt:
  • Thảo Phương, 28 tuổi, quyết định chuyển từ chung cư xuống phòng trọ sau khi trải qua rung lắc do động đất.
  • Sau rung chấn ngày 28/3, gia đình Phương cảm thấy bất an và đã ở tạm tại Long An ba ngày.
  • Nhiều cư dân chung cư ở quận 6, 7, 8 ghi nhận căn hộ bị nứt tường, gây lo lắng cho họ.
  • Nhiều người, như Thái Duy, cũng quyết định chuyển ra ngoài chung cư để tránh lo âu về động đất.
  • Chuyên gia khuyên tránh di chuyển xuống tầng trệt trong thời gian rung chấn và tìm nơi trú ẩn an toàn.

Chiều 31/3, trong căn hộ 54 m2 ở phường 10, quận 6, Phương hì hụi chuẩn bị thùng xốp, hộp carton trong khi chồng gấp quần áo để dọn đồ đến phòng trọ nằm trong hẻm cách đó một km. Ba ngày qua, họ không về chung cư mà trú tạm trong gia đình chồng ở Long An.

"Chúng tôi không muốn sống trong phập phồng, bất an", Thảo Phương nói.

Trưa 28/3, Phương đang ở nhà cùng con gái 5 tháng tuổi thì cảm nhận rung lắc kéo dài khoảng hai phút. Chị cảm thấy người chao đảo, đồ đạc xê dịch kèm tiếng hét "Động đất!" của cư dân trong tòa nhà.

Phương ôm con chạy trước, người vú nuôi chạy phía sau ra thang bộ của tòa nhà. Xuống đến sân, cô thấy hàng trăm người cũng vừa thoát, vừa hoang mang giống mình.

Cùng ngày, ban quản lý gửi thông báo trấn an, cho biết đã kiểm tra an toàn nhưng vài căn đã xuất hiện vết nứt, gãy ở tường. Căn hộ của Phương có biểu hiện bất thường nhưng cô không dám trở lên mà về thẳng nhà nội.

"Trước giờ, tôi ở chung cư chỉ quan tâm vấn đề cháy nổ, chưa từng nghĩ đến động đất", Phương nói. "Sau hôm nay nỗi sợ càng tăng thêm, đặc biệt khi có con nhỏ".

Vợ chồng chị thuê căn hộ ở tầng 31 trong tòa nhà 35 tầng được gần nửa năm, giá 11 triệu đồng mỗi tháng. Dù hợp đồng còn lại đến cuối năm nhưng sau sự cố rung lắc do ảnh hưởng động đất ở Myanmar, vợ chồng Phương bị tác động tâm lý, thấp thỏm lo sợ. Gia đình nội ngoại cũng liên tục gọi điện hỏi thăm, hối thúc họ tìm nơi khác, tránh xa những tòa nhà cao tầng.

Ba ngày qua, họ gửi con và đi tìm chỗ trọ mới trong quận 6 với điều kiện nhà trệt, không có lầu cao. Trưa 31/3, họ về lại chung cư để thu dọn quần áo, chấp nhận bỏ tiền cọc.

Khu căn hộ của chị Thảo Phương ở quận 6, TP HCM, trưa 31/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khu căn hộ của chị Thảo Phương ở quận 6, TP HCM, trưa 31/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Động đất mạnh hơn 7 độ ở Myanmar xảy ra lúc 13h20 ngày 28/3, khiến TP HCM, Hà Nội bị rung chấn. Trong đó, hiện tượng rung lắc ở TP HCM được ghi nhận diện rộng tại nhiều tòa nhà cao tầng, kéo dài gần 20 giây.

Khảo sát của VnExpress cho thấy sau rung chấn, một số căn hộ chung cư ở khu vực quận 6,7, 8 và TP Thủ Đức xuất hiện vết nứt dài, bong tường, nghi do ảnh hưởng của rung lắc, khiến cư dân hoang mang. Ví dụ, tại chung cư ở phường 10, quận 6 của chị Phương có 3 block với hơn 1.200 căn hộ. Chưa có thống kê cụ thể nhưng dựa vào những báo cáo của cư dân trong nhóm chung, tình trạng nứt tường xảy ra ở khoảng hơn 10 căn.

Tại chung cư Diamond Riverside, phường 16, quận 8, hơn 340 căn hộ được ghi nhận nứt tường, một số vị trí hành lang, sân thượng nền bị phồng, bong gạch. Các căn bị nứt nằm rải rác ở cả 4 block, tùy vị trí có các vết nứt nhẹ hoặc sâu.

"Nhà cao tầng là một trong những kiến trúc dễ bị rung chấn tác động nhất", tiến sĩ Nguyễn Tấn Tiên, điều phối viên ngành Kỹ thuật xây dựng tại trường Đại học Việt Đức (VGU), nói. Những kiến trúc có kết cấu phức tạp như lệch tầng, cột lệch tâm, hoặc thay đổi công năng giữa các tầng cũng dễ bị ảnh hưởng nặng hơn.

Ông Tiên lý giải hiện tượng một số chung cư bị nứt, gãy là do khi xảy ra động đất, mặt đất bị rung lắc lớn tác động lên kết cấu của tòa nhà, gây ra các chuyển vị vượt mức thiết kế. Một số kết cấu bị cong vênh, hoặc giòn dễ nứt, một số nền bị võng hoặc lún lệch.

Hiện tượng rung lắc và các căn hộ bị nứt tường đã khiến gia đình chị Thùy Chi lên kế hoạch rời khỏi căn hộ 72 m2 ở phường Phú Thuận, quận 7, sau bốn năm sinh sống.

"Run rẩy và sợ hãi", cô gái 30 tuổi, nói.

Chi trải qua cảm giác "chao đảo như trên tàu điện" trong khoảng ba phút vì rung chấn. Ban đầu, chị nghĩ mình bị trúng độc do thức ăn, nhưng khi đứng dậy, thấy tòa nhà rung lắc, nghe hàng xóm hô hoán, chị mới nhận ra nên chạy xuống lối thoát hiểm.

Cùng lúc, nhiều người bế trẻ sơ sinh, người cõng cụ già, dắt theo thú cưng cũng đang xuống. Sau 45 phút, ban quản lý chung cư thông báo có thể quay lại căn hộ. Đồng thời, họ cử nhân viên kiểm tra hệ thống và tường tiếp giáp.

"Nhưng ám ảnh cứ đeo đuổi mãi", Chi nói.

Căn hộ của Chi nằm ở trong góc của tầng 22, xuất hiện hai vết nứt dài tầm một mét, vắt chéo nhau.

Trong nhóm cư dân, nhiều nhà cũng lo lắng, mong muốn chuyển đi nhưng khó thực hiện bởi là gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống. Riêng nhà Chi chỉ hai vợ chồng, mọi thứ dễ dàng hơn.

Anh Thái Duy trong căn hộ ở quận 8, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Thái Duy trong căn hộ ở quận 8, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Thái Duy, 35 tuổi, đang rao cho thuê căn hộ tầng 9 của mình ở phường 6, quận 8, giá khoảng 12 triệu đồng. Anh mua chung cư 5 năm trước nhưng quyết định dọn ra ở thuê nhà mặt đất.

"Một phần là dự định từ trước, nhưng rung chấn làm tôi dứt khoát hơn", Duy nói.

Ba ngày qua, nhóm chung cư của anh liên tục cập nhật thông tin về rung chấn. Dù họ không bị ảnh hưởng, cảm giác lo âu sống ở tầng cao vẫn gây lo lắng đặc biệt với các gia đình có người già và trẻ em. Trong nhà, Duy thu gọn giấy tờ quan trọng, tiền bạc vào túi để nếu có chuyện xảy ra, chỉ cần ôm chạy.

"Trước giờ tôi chưa từng có phòng bị gì với động đất nhưng nay thì phải chú ý đến nó", anh nói.

Chuyên gia xây dựng Tấn Tiên cho biết tâm lý lo sợ, hoang mang sau rung chấn có thể hiểu được nhưng chuyển chỗ ở là việc "lo quá xa". Trên thực tế khả năng chịu động đất của các công trình cao tầng ở Việt Nam khá tốt do được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode 8). Tiêu chuẩn này rất chú trọng khả năng chịu tải trọng động đất.

Sau dư chấn, nếu công trình bị hư hại cần có khảo sát, đánh giá cụ thể mức độ nghiêm trọng, kiểm tra các vết nứt, độ nghiêng, độ võng các cấu kiện mà có các phương án gia cố và sửa chữa phù hợp.

Nếu bị hư hỏng nhẹ, ví dụ nứt tường có thể trát xây thêm, gia cường cột dầm bằng các cột thép, hoặc bổ sung hệ giảm chấn cho tòa nhà. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, để tránh sụp đổ và an toàn có thể phải di dời hoặc tháo dỡ nếu cần thiết.

Về phản ứng của người dân sống trong các tòa nhà cao tầng khi gặp rung chấn hoặc động đất, chuyên gia cho rằng không nên chạy xuống tầng trệt vì sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Mọi người cần giữ nguyên vị trí và cố gắng tìm chỗ trú ẩn an toàn và đánh giá tình hình trước khi hành động. Nếu đang ở văn phòng làm việc, họ cần tránh xa khu vực có các cửa sổ, gương kính, đèn trần, tủ sách vì có thể rơi vỡ hoặc ngã.

"Hãy cố gắng bám vào nơi cố định, hạ thấp trọng tâm người và lấy tay hoặc vật cứng che đầu cổ", ông nói.

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Hà Nội: Gia tăng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

Hà Nội đang đối mặt với diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sởi và tay chân miệng. Trước tình hình này, ngành y tế Thủ đô đang đẩy mạnh các biện pháp tiêm chủng, giám sát và kiểm soát dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nói về ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975 bằng bạc

Chào đón 50 năm thống nhất đất nước, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý lựa chọn tác phẩm ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập” chụp trưa ngày 30/4/1975 để tái hiện trên bạc thỏi, thể hiện lòng tri ân và biết ơn các thế hệ cha anh. Tác giả của bức ảnh - Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, tôi rất vui khi có thêm những sản phẩm mang ý nghĩa văn hóa, thể hiện lòng tự hào, sự trân trọng đối với trị lịch sử dân tộc.