Bất động sản

Thanh tra các bộ vạch loạt sai phạm dự án BT hơn 6 nghìn tỷ ở Hà Nội

Sai sót đội vốn đầu tư dự án BT tăng nghìn tỷ

Báo cáo về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT, Thanh tra Hà Nội chỉ ra việc các cơ quan Trung ương đã vào cuộc thanh tra, kiểm toán chỉ ra loạt sai phạm, thiếu sót.

Theo đó, tháng 1/2011, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Kết luận số 215 về thanh tra công tác quản lý Nhà nước và triển khai thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT tại TP Hà Nội (trong đó có dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây) và kết luận công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư còn có nhiều tồn tại, sai sót dẫn đến giá trị tổng mức đầu tư dự án BT tăng lên 1.081 tỷ đồng...

Thanh tra các bộ vạch loạt sai phạm dự án BT hơn 6 nghìn tỷ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây là chưa có cơ sở dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư dự án để ký hợp đồng BT sai tăng 920 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2012, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 2351 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất đai tại TP Hà Nội và kết luận: Đối với các dự án đối ứng, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) chưa ban hành quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp sau khi đối trừ chi phí đầu tư dự án Đường trục phía Nam và kiến nghị hình thức xử lý thu hồi 510,12 tỷ đồng.

Thực hiện kết luận trên, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco 5 Land) đã nộp số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.

Tiếp đến, tháng 6/2017, Thanh tra Chính phủ có Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông môi trường thuộc địa bàn TP Hà Nội (trong đó có dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây), nội dung: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư dự án để ký hợp đồng BT sai tăng 920 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi số tiền này.

“Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP và Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco 5 chưa nộp khoản tiền 920 tỷ đồng. Ngày 22/4/2022, UBND TP có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP về việc loại bỏ chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT điều chỉnh khi trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư đủ điều kiện tiếp tục thực hiện dự án. Đến nay, Thanh tra Chính phủ chưa có ý kiến”, Thanh tra TP Hà Nội cho biết.

Cũng theo Thanh tra TP, tháng 2/2013, Thanh tra Bộ Tài Chính có Kết luận số 113 thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và kết luận: Tổng mức đầu tư của dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được lập và phê duyệt để ký hợp đồng BT không đúng do tính sai số học hạng mục cầu vượt đường sắt 314 tỷ đồng; Thay đổi cự ly đổ thải làm giảm giá trị dự toán đã phê duyệt là 8,9 tỷ đồng...

Đồng thời kiến nghị UBND TP chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư dự án Đường trục phía Nam. Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nộp tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị Thanh Hà A,B và Khu đô thị Mỹ Hưng sau khi đối trừ chi phí đầu tư dự án BT và có thông báo nộp tiền của UBND TP...

Thu hồi, giao đất đối ứng cho doanh nghiệp dự án là sai

Liên quan dự án này, từ năm 2016-2020 Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công An có loạt văn bản, trong đó có nội dung: Yêu cầu Cienco5 Land dừng ngay việc huy động vốn liên quan đến việc kinh doanh các sản phẩm bất động sản thuộc dự án Khu đô thị Thanh Hà;

Việc các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép hình thức quản lý dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B - Cienco 5, Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 là: "Chủ đầu tư thành lập Công ty cổ phần để trực tiếp quản lý, thực hiện dự án" là vi phạm Điều 35 Nghị định số 16 năm 2005 của Chính phủ, điểm I, mục I, Phần III Thông tư số 02 năm 2007 của Bộ Xây dựng.

Thanh tra các bộ vạch loạt sai phạm dự án BT hơn 6 nghìn tỷ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Việc tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi, giao đất cho doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án khác để hoàn vốn là không đúng quy định.

Việc Tổng công ty Cienco 5 là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B - Cienco 5, Khu đô thị Mỹ Hưng- Cienco 5 nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tây lại cho phép doanh nghiệp thực hiện các dự án này là Công ty Cienco 5 Land là vi phạm quy định tại Điều 11, Điều 12 Quy chế khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định số 02 năm 2006 của Chính phủ.

Việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành các quyết định số 3128, 3129, 3130 ngày 30/7/2008 thu hồi và giao đất cho Công ty Cienco 5 Land (Doanh nghiệp dự án) để thực hiện dự án khác để hoàn vốn mà không thu hồi và giao đất cho Tổng công ty Cienco 5 (Nhà đầu tư dự án BT và Chủ đầu tư dự án khác) là không đúng các quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư 2005, Điều 12 Quy chế khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định số 02 năm 2006 của Chính phủ.

Đồng thời kiến nghị UBND TP Hà Nội và các sở ngành liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng): kiểm tra, rà soát, có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời; kiểm tra, rà soát xử lý đối với các vi phạm nêu trên; có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp liên quan.

Cũng theo Thanh tra TP, tháng 10/2020, Kiểm toán Nhà nước có Thông báo kiểm toán số 328 hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và kết luận Hồ sơ quản lý chất lượng một số hạng mục, gói thầu không đầy đủ theo quy định. Phần lớn các gói thầu được kiểm toán đều chậm tiến độ, do một số đoạn tuyến chậm GPMB và một số thời điểm, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án gặp khó khăn về huy động vốn đầu tư cho dự án, dẫn đến nhà thầu không chủ động triển khai thi công.

UBND TP Hà Nội cho phép dừng kỹ thuật của dự án tại K19+900 nhưng không nêu lý do dừng, thời gian dừng và không có phương án xử lý, thỏa thuận với nhà đầu tư để giải quyết chi phí xây dựng khoảng 21,5km đường còn lại…

Dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha). Thực hiện dự án có 2 đơn vị tham gia, gồm: Nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5. Dự án BT được triển khai từ năm 2008 nhưng mới hoàn thành 19,9km, còn 21,6km đang GPMB, đến nay dự án chậm hơn 9 năm.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm