Loạt bài TP.HCM nghĩa tình do Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025) đã lan tỏa tinh thần sống tử tế qua việc khắc họa những người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau nhưng đều có chung một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ mảnh đời kém may mắn.
Khởi đăng từ ngày 22.3.2025 với bài viết Kỳ nữ Kim Cương sống cho người và cho thành phố hạnh phúc, chủ điểm này vẫn đang được tiếp nối trên Thanh Niên Online để giới thiệu thêm cho độc giả những tấm gương bình dị mà cao cả.
Đó có thể là câu lạc bộ được thành lập ra để động viên, hỗ trợ bệnh nhân ung thư; là "thầy giáo xe lăn" cống hiến cả đời cho trẻ em nghèo; là bát cháo gà của người Hồi giáo vào tháng Ramadan thiêng liêng; là những y sĩ không lương, thầm lặng cứu người trong phòng khám nhân đạo; là chiến sĩ biên phòng lan tỏa giá trị của người lính trong thời bình; là tổ trưởng dân phố, khu phố với nhiều nghĩa cử cao đẹp…
Đó cũng có thể là câu chuyện của một chính quyền nghĩa tình khi luôn đi tiên phong cả nước ở hầu hết các chương trình an sinh xã hội. Từ những năm 1990 với việc khởi xướng các phong trào Vì người nghèo, Tấm lòng vàng, Nghĩa tình Trường Sơn, Nghĩa tình biên giới, hải đảo,… đến nay TP.HCM vẫn duy trì và phát triển nguồn lực cho an sinh từ các quỹ Vì người nghèo, Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc, Cứu trợ… Không chỉ giúp đỡ người dân ở vùng đất này, TP.HCM còn dang tay hỗ trợ những nơi khó khăn khắp các tỉnh thành cả nước.
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện đẹp, khi mà ở đô thị ấy hằng giờ, hằng ngày luôn có những người sống vì nhau, dìu nhau qua những bôn ba, khó nhọc.
Các "ký hiệu đường phố" ở Sài Gòn - TP.HCM như bình trà đá miễn phí, vá xe miễn phí cho shipper hay người khuyết tật, quán ăn 0 đồng, cơm từ thiện… luôn nhắc nhở con người về một thành phố không chỉ hiện đại, sôi động mà còn phát triển vì những điều tử tế, giản dị, có mặt ở mọi ngóc ngách đời sống.
"TP.HCM nghĩa tình" hay "Sài Gòn bao dung", "thành phố hào sảng"… không chỉ còn là cách gọi tên. Thay vào đó, nó trở thành nét văn hóa, thói quen, cách sống, mục tiêu sống trong tâm thức cộng đồng.