Tài chính

Thanh khoản hệ thống đang "thừa nhiều hơn thiếu", tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm ước đạt 1,1%

Tính đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 1,1%

Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP HCM ước tăng lần lượt 2% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.

VDSC nhận định diễn biến tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm là phù hợp nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế. Sắp tới, các động thái giảm lãi suất từ các ngân hàng thương mại (NHTM) kỳ vọng có thể phần nào thúc đẩy cầu tín dụng, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay khó có thể giảm sâu.

Theo đó, từ sau Tết nguyên đán, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng với mức giảm từ 0,2-0,5 điểm %. Hiện tại, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn 12 tháng là 8-9,5%/năm.

Như vậy, việc thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất và xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng. Điều này cũng phần nào giúp cho lãi suất cho vay hạ nhiệt.

Theo khảo sát của VDSC tại một số ngân hàng, mức giảm đối với vay tiêu dùng và mua nhà đã giảm từ 0,2 - 0,3 điểm % so với đầu năm. Đồng thời, các ngân hàng từ khối Nhà nước đến tư nhân cũng công bố các chương trình kích cầu tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi với cam kết điều chỉnh giảm từ 0,5 đến 3 điểm % đối với từng đối tượng cho vay cụ thể.

Thanh khoản hệ thống đang “thừa nhiều hơn thiếu”

Trên thị trường mở, từ đầu tháng đến 24/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng khoản hơn 189.000 tỷ đồng, là quy mô rút ròng lớn nhất theo tháng kể từ khi NHNN kích hoạt lại kênh bơm/hút vốn trên thị trường mở từ tháng 6/2022. Lượng tiền hút ròng qua thị trường mở trong tháng qua cũng cao hơn nhiều so với lượng bơm ròng khoảng 122.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm.

Tính đến ngày 24/2, số dư trên thị trường mở đối với tín phiếu NHNN là 160.600 tỷ đồng, gấp 6,4 lần so với cuối tháng 1. Trong đó, khoảng 69.000 tỷ đồng (43% lượng tín phiếu đang lưu hành) có kỳ hạn 91 ngày, dự kiến đáo hạn từ 17-26/5. Trái lại, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn là 31.700 tỷ đồng, giảm hơn 53.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1.

 

Theo VDSC, động thái hút ròng mạnh của NHNN trong tháng vừa qua có nguyên nhân đến từ sự sụt giảm của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng giảm chỉ còn 3,6%/năm vào giữa tháng, thấp nhất kể từ đầu năm và thấp hơn 0,76 điểm % so với lãi suất cho vay qua đêm đối với đồng USD.

Gần về cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm đã hồi phục nhanh lên xấp xỉ 6,2%/năm, diễn biến phù hợp với việc điều hành cung tiền của NHNN. Tương tự, lãi suất đấu thầu ở nghiệp vụ phát hành tín phiếu trên thị trường mở cũng có nhịp giảm sâu về mức 3,8%/năm và phục hồi trở lại ở mức 6%/năm.

Diễn biến trên cho thấy thanh khoản hệ thống đang “thừa nhiều hơn thiếu”.

Các chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp chưa mạnh trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, việc điều hành cung tiền của NHNN vẫn có sự nhất quán giống giai đoạn tháng 6-9/2022, kiểm soát vùng biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để phù hợp với mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá.

Đối với thị trường bất động sản (BĐS), để hỗ trợ thị trường, 4 ngân hàng TMCP Nhà nước đã thống nhất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân với lãi suất vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng này. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội với lãi suất 5-6%/năm.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy khả năng hấp thụ vốn của phân khúc nhà ở xã hội hay nhà ở công nhân là không cao. Ngoài ra, việc phê duyệt điều kiện vay cho người mua nhà và quỹ đất cho doanh nghiệp để phát triển phân khúc nhà ở xã hội là vấn đề thượng tầng còn bỏ ngỏ.

Do đó, các chuyên gia VDSC cho rằng những vấn đề của riêng phân khúc nhà ở xã hội kết hợp với những đối tượng doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản và dòng tiền đều nằm ngoài giải pháp kể trên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm