Xuất hiện trong tập 7 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, startup Lagom Việt Nam mở đầu ấn tượng bằng tiếng còi báo động và phát cho mỗi “cá mập” một chiếc ô, nhằm chống lại “cơn mưa rác”. Sau đó, sản phẩm được đem đến là những chiếc móc áo tái chế 100% từ vỏ sữa giấy – sản phẩm đã đạt giải thưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại Đức.
Anh Lê Trung Thông – Founder & CEO của Lagom là một kỹ sư điện tử - tự động hóa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh cùng Trần Văn Hiếu – kỹ sư tốt nghiệp Đại học Xây dựng thành lập một doanh nghiệp cầu đường và khá thành công. Tuy nhiên, điều này chưa đủ đối với anh Thông.
“ Thực ra bọn em đến với ngành tái chế không phải vì doanh thu và lợi nhuận. Trước đó, bọn em làm cầu đường cũng tương đối thành công về mặt vật chất, nhưng nó không đủ cho tinh thần của một người đàn ông hay là một người bố.
Em có 3 con trai và em muốn con mình có những hoài bão, lý tưởng lớn. Em không làm thì con em sẽ không tin vào những gì em nói. Nên chắc chắn một điều là em sẽ phải làm đúng những gì mà em đã công bố với các Shark ”, anh Thông tâm sự.
Để “làm một người đàn ông”, anh Thông từng đi làm từ thiện, đi nhặt rác, thu gom vỏ hộp sữa theo lời kêu gọi trên mạng. Khi tới nơi, kỹ sư này mới nhận thấy các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn để duy trì, vận hành. Anh quyết định bước chân vào ngành tái chế.
Sau khi đi quan sát các mô hình tại Indonesia, Ấn Độ, Dubai, anh Thông đánh giá những quốc gia này có công nghệ tái chế nhưng không thể vận hành mô hình, bởi không có tổ chức thu gom và phân loại từ nguồn. CEO Lagom cùng các cộng sự bàn bạc và xác định bắt đầu từ việc giáo dục, thu gom nguyên vật liệu rồi mới bắt đầu sản xuất.
Với định hướng sản xuất sản phẩm từ các nguyên liệu khó tái chế như giấy, nhôm, nhựa, bài toán lớn mà Lagom phải giải quyết là làm sao gom đủ sản lượng mà không tăng chi phí. Chính vì thế, 5 năm qua startup đã dành thời gian giáo dục nhận thức cho các học sinh và hộ gia đình. Đến nay, Lagom đang thu gom nguyên vật liệu từ 2.000 trường học.
Song song đó, startup cũng tiến hành R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm), làm ra được những sản phẩm tái chế phục vụ ngành ngoại thất, nội thất, ngành hàng thời trang.
“ Bọn em có một dự án tái chế số lượng lớn, công suất mỗi năm lên đến 2.000 tấn, doanh thu năm đầu tiên có thể đạt 50 tỷ và lợi nhuận khoảng 12,5 tỷ, tăng trưởng hàng năm khoảng 30%. Dự kiến sau 4 năm có thể tăng công suất lên 10.000 tấn ”, Lê Trung Thông chia sẻ.
Đến với Shark Tank, Lagom kêu gọi số vốn 43 tỷ cho 30% cổ phần để đầu tư cơ sở vật chất cho một nhà máy lớn. Phía startup cho biết thêm rằng họ có vốn điều lệ 6,6 tỷ đồng, chưa có lợi nhuận và lỗ lũy kế gần 5 tỷ.
Con số kêu gọi 43 tỷ đồng khiến các “cá mập” có phần giật mình. Shark Phạm Thanh Hưng phải hỏi lại rằng “4,3 tỷ hay 43 tỷ?”.
Anh Thông trình bày rằng nếu chưa gọi được vốn để xây nhà máy bài bản, startup có thể đợi 2-3 năm nữa để tích lũy. Đến với Shark Tank, anh muốn tìm kiếm cơ hội để Lagom đi nhanh hơn.
Nhận định startup kêu gọi số vốn lớn khi mọi thứ đang ở giai đoạn “con gà – quả trứng”, Shark Hưng từ chối đầu tư. Tuy nhiên, ấn tượng với lời hứa của một người đàn ông với con mình, Shark Hưng cho biết ông sẽ đồng hành cùng startup xây dựng phương án gọi vốn, đồng thời gợi ý Lagom nên làm tốt 1 công đoạn, ví dụ như thu gom.
Shark Lê Mỹ Nga cũng từ chối đầu tư, nhưng bà cho biết sẽ hỗ trợ startup kết nối không lấy phí với các quỹ NGO (phi chính phủ) quốc tế chuyên đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường, tác động đến xã hội.
Ba “cá mập” còn lại cũng rút lui khỏi thương vụ, nhưng đều cam kết sẵn sàng làm cố vấn cho startup. Trước thiện chí này, anh Lê Trung Thông cho biết: “Đây là số vốn lớn nhất đấy ạ”.