Tài chính

Tham vọng của hãng xe điện Rivian

Jim Chen, người vận động hành lang cho Rivian, một trong những công ty khởi nghiệp xe điện tham vọng nhất thế giới, luôn muốn thay đổi cách mọi người mua ô tô thông qua việc thúc đẩy mô hình giao dịch trực tiếp giữa khách hàng và nhà sản xuất. Tuy nhiên giờ đây, người đàn ông này lại đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ một nhóm các đại lý xe hơi địa phương.

Tại bang Washington, sự phản đối từ các đại lý xe hơi khiến đề xuất của Chen không được thông qua. Ở Georgia, một dự luật tương tự ông ủng hộ cũng gặp tình cảnh như vậy, dù phía Rivian cam kết sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 5 tỷ USD. Mong muốn của Chen tại bang Connecticut cũng “chết yểu”.

THAM VỌNG CỦA RIVIAN 

Sự khác biệt trong quan điểm đã khiến các bang tại Mỹ nổ ra cuộc đối đầu về cách thức và địa điểm bán xe. Hiện 27 bang, nơi luật nhượng quyền đại lý được thực thi từ nhiều thập kỷ, đồng thời được nhiều chuyên gia vận động hành lang bảo vệ, đang quyết liệt ngăn cản Rivian và các công ty khởi nghiệp khác bán trực tiếp xe điện cho người tiêu dùng, theo dữ liệu từ nhóm vận động EV phi lợi nhuận Electrification Coalition.

Hiện chỉ có duy nhất Tesla được phép bán xe trực tiếp tại 9/27 bang - một thỏa thuận Chen mang lại trong thời gian còn làm việc cho hãng xe điện này. Cả Rivian và Tesla đều đang không thông qua bất kỳ đại lý nào để tiêu thụ xe. “Đó hoàn toàn là một trận chiến rất khó khăn”, ông Chen, phó chủ tịch phụ trách chính sách công của Rivian cho biết.

Tham vọng của hãng xe điện Rivian  - Ảnh 1.

Rivian thực hiện chiến dịch nới lỏng sự kìm kẹp của các đại lý xe hơi địa phương, song đang gặp không ít khó khăn trước sự phản đối gay gắt của các thương hiệu nhượng quyền.

Theo những quan chức tiểu bang phản đối nỗ lực của ông Chen, các đại lý độc lập đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua bán xe, qua đó tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các thương hiệu và giúp người tiêu dùng được hưởng nhiều lợi nhất. Ngoài ra, họ cũng lập luận rằng đại lý là nơi cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng, chẳng hạn như sửa chữa và bảo hành, với mức giá rất cạnh tranh.

“Đều có những lý do đằng sau các quy tắc được áp dụng”, Mike Stanton, chủ tịch Hiệp hội các đại lý ô tô quốc gia khẳng định. 

Theo WSJ, kết quả cuộc đối đầu này sẽ tác động rất lớn lên ngành công nghiệp xe hơi, rằng liệu các nhà sản xuất có thể thiết lập hoạt động bán lẻ ở Mỹ mà không cần mạng lưới nhượng quyền hay không. Được biết một số thương hiệu lâu đời, chẳng hạn như Ford, đã thúc đẩy quy trình bán hàng đơn giản như Tesla song vẫn tận dụng các đại lý. Trong khi đó, các startup xe điện khác, chẳng hạn như Lucid Group và Fisker lại chọn bán xe trực tiếp cho người tiêu dùng. 

Tình hình đặc biệt cấp bách đối với Rivian, nhà sản xuất xe tải điện và SUV mới nổi vốn đang chịu nhiều áp lực gia tăng sản lượng. Được thành lập hồi năm 2009 bởi một sinh viên tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts, công ty này đã gây được tiếng vang lớn vào năm ngoái sau khi ra mắt công chúng. Một số nhà đầu tư thậm chí còn gọi Rivian với cái tên mỹ miều: Tesla của xe tải. 

Tuy nhiên, trong năm nay, hãng xe điện này phải vật lộn với sự gián đoạn trong chuỗi sản xuất. Số lượng xe giao ngay trong nửa đầu năm chỉ đạt khoảng 5.700 xe, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu. Công ty cũng dự kiến lỗ 5,45 tỷ USD trong năm 2022.

Tham vọng của hãng xe điện Rivian  - Ảnh 2.

Rivian hiện bán hầu hết các loại xe của mình thông qua hình thức trực tuyến, vốn không bị ảnh hưởng bởi luật nhượng quyền của tiểu bang.

Rivian hiện bán hầu hết các loại xe của mình thông qua hình thức trực tuyến, vốn không bị ảnh hưởng bởi luật nhượng quyền của tiểu bang. Mọi giao dịch trực tuyến sẽ được xử lý tại Illinois, nơi Rivian đặt nhà máy đầu tiên, sau đó giao xe trực tiếp cho người mua. Tuy nhiên, do khâu vận chuyển còn nhiều khó khăn, các giám đốc điều hành của Rivian cho biết họ cần thêm nhiều chuỗi cửa hàng trên toàn quốc thuộc sở hữu của công ty để giảm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động giao hàng. 

Nhiều khách hàng đã bày tỏ sự thất vọng và cho rằng Rivian đang “phức tạp hóa” mọi chuyện, trong đó có ông Mark Carroll, một khách hàng 52 tuổi tại Milton. Ông cho biết vào tháng 5 đã cùng vợ lái xe đến một sự kiện của Rivian để tận mắt chứng kiến và chạm vào chiếc xe điện họ dự định mua trong tương lai. Tuy nhiên, phải đến hơn 1 năm sau, chiếc xe bán tải R1T mới đến được tay cặp vợ chồng này. 

“Thật nực cười,” ông Mark Carroll phàn nàn. 

Theo WSJ, chiến dịch nới lỏng sự kìm kẹp với các đại lý xe hơi địa phương của Rivian đang gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ đầu thế kỷ 20, những cửa hàng đại lý này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mỹ, trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô cần đến các mạng lưới bán lẻ có khả năng tiêu thụ số lượng lớn ô tô. 

Tham vọng của hãng xe điện Rivian  - Ảnh 3.

Chiến dịch nới lỏng sự kìm kẹp với các đại lý xe hơi địa phương của Rivian đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vào cuối những năm 1980, đã có hơn 25.000 đại lý ô tô mới trên khắp nước Mỹ. Ford trước đó từng cố gắng thiết lập mạng lưới bán lẻ cho riêng mình, song cuối cùng phải từ bỏ ý định này trước sự phản đối gay gắt của các đại lý. 

TESLA: NÓI ‘KHÔNG’ VỚI NHƯỢNG QUYỀN

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Tesla xuất hiện. Thương hiệu này đã mở cửa hàng đầu tiên ở Los Angeles, đồng thời tuyên bố chưa bao giờ hợp tác với các đại lý nhượng quyền. Chen khi đó được Tesla thuê để vận động hành lang toàn thời gian, đồng thời giải quyết một số khó khăn về tín dụng thuế với EPA. 

Nhắc đến chiến dịch nới lỏng sự kìm kẹp với các đại lý xe hơi địa phương, Chen khẳng định các đại lý này không thể quyết định cách người tiêu dùng mua xe và việc làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với các nhà sản xuất xe điện sẽ không làm tổn hại đến họ. 

Về phần mình, Tesla cũng cho rằng các luật nhượng quyền kinh doanh là không phù hợp, bởi lẽ chúng chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Lập trường này được củng cố vào tháng 9/2014, khi Tòa án Tư pháp Tối cao Massachusetts ngăn cản Hiệp hội Đại lý Ôtô Bang Massachusetts đóng cửa một cửa hàng Tesla gần Boston. Trong phán quyết của mình, thẩm phán Margot Botsford cho biết luật pháp nhằm bảo vệ các đại lý khỏi sự đối xử bất công từ các nhà sản xuất và các nhà phân phối “mà họ có liên quan”, chứ không nhằm bảo vệ họ trước các nhà sản xuất không liên quan. 

Tham vọng của hãng xe điện Rivian  - Ảnh 4.

Tesla mở cửa hàng đầu tiên ở Los Angeles, đồng thời tuyên bố chưa bao giờ hợp tác với các đại lý nhượng quyền.

Rời Tesla, Chen làm việc cho 2 công ty khởi nghiệp xe điện khác là Faraday và Chanje Energy, sau đó gia nhập Rivian vào năm 2018. Hiện tại, ông đang điều hành một nhóm 6 người đang làm việc tại trụ sở Washington, trong văn phòng WeWork. Chiến lược vận động hành lang của Chen chủ yếu tập trung vào Michigan, New York và Georgia, nơi giới chức địa phương tin rằng Rivian có tiềm năng thu hút người mua xe bán tải và SUV chạy điện. 

Trước đây, khi Chen còn làm việc cho Tesla, một số đại lý và nhà lập pháp dường như đã thỏa hiệp với ngoại lệ duy nhất dành cho Tesla. Tuy nhiên, phía các đại lý sau đó cứng rắn trở lại, một phần vì lo sợ rằng thành công của Tesla sẽ truyền cảm hứng cho nhiều các thương hiệu xe hơi khác. 

Đó cũng là những gì Chen phải đối mặt khi quay trở lại bang Washington để thuyết phục các nhà lập pháp cho phép Rivian bán trực tiếp xe cho người tiêu dùng. Đề xuất này hiện vẫn chưa thể vượt quá một ủy ban lao động và thương mại Thượng viện.

Trong một phiên điều trần mà ông Chen tham dự, một số nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại, rằng các tập đoàn ô tô lớn sẽ tham vọng qua mặt các đại lý địa phương nếu mong muốn của Rivian được thông qua.

 “Tôi lo lắng rằng loại ngoại lệ này sẽ dẫn đến vết xe đổ của Ford, khi họ yêu cầu được bán trực tiếp cho khách hàng và loại bỏ hoàn toàn các đại lý”, Thượng nghị sĩ Steve Conway thuộc đảng Dân chủ cho biết.

Tham vọng của hãng xe điện Rivian  - Ảnh 5.

Một trạm sạc xe của Rivian

Ông Stanton, người đứng đầu Hiệp hội các đại lý ô tô quốc gia cũng khẳng định, ngay cả trong thời đại internet lên ngôi, các đại lý vẫn cung cấp rất nhiều dịch vụ thiết yếu. Trường hợp xe hỏng hóc bất chợt, đây chính là bên hỗ trợ và đưa ra các giải pháp nhanh chóng. 

“Nó không chỉ đơn thuần giống như việc mua một tuýp kem đánh răng trên Amazon đâu”, ông nói.

Ngoài Colorado, nơi Chen đã vận động thành công để giúp Rivian và các nhà sản xuất EV khác bán xe trực tiếp cho khách hàng, hiện không có bang nào thông qua dự luật bán hàng trực tiếp mà không cần đại lý nhượng quyền. 

Dẫu vậy, Chen vẫn lạc quan rằng mình có thể giành chiến thắng, chẳng hạn như ở New York. Đối với các bang phản đối việc mua bán trực tiếp, Rivian xem xét mở các phòng trưng bày trước cửa hàng. Khách hàng sẽ có thể nhìn và chạm vào xe, song không thể mua hoặc lái thử chúng. Tesla cũng có những phòng trưng bày như vậy. 

Đối với Chen, đây là một giải pháp không thực sự hoàn hảo.

“Bạn phải học hỏi từ những sai lầm của mình”, Chen nói. "Đừng ngại xem xét các chiến lược khác nhau".

Theo: WSJ 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm