Khoa học

Tàu Ấn Độ đạt cột mốc mới: Đến nơi rất đặc biệt của vũ trụ, chỉ 4 tàu Mỹ ở đó

Tàu Ấn Độ đạt cột mốc mới

Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), tàu vũ trụ nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1 đã rời quỹ đạo Trái đất vào sáng thứ Ba 19/9 và bắt đầu di chuyển về phía Điểm L1 (Lagrange 1) giữa Trái đất-Mặt trời.

Aditya-L1 đã rời Trái đất mãi mãi và bắt đầu hành trình 1,5 triệu km trong 110 ngày để đến được Điểm L1 - nơi nó sẽ nghiên cứu những bí ẩn của Mặt trời, India Today cho biết.

Tàu Ấn Độ đạt cột mốc mới: Đến nơi rất đặc biệt của vũ trụ, chỉ 4 tàu Mỹ ở đó - Ảnh 1.

Sau 5 lần tăng quỹ đạo theo hình elip, tàu Aditya-L1 rời quỹ đạo Trái đất và bắt đầu hành trình 1,5 triệu km đến Điểm L1. Nguồn: ISRO

Sở dĩ, Ấn Độ lên kế hoạch cho Aditya-L1 tiến đến Điểm L1 là có 2 lý do. Đầu tiên, Điểm L1 có lực hấp dẫn ổn định, điều này giúp tàu vũ trụ có thể dễ dàng thực hiện sứ mệnh thám hiểm của mình.

Thứ hai, tại Điểm L1, tầm nhìn của tàu đến Mặt trời không bị gián đoạn bởi Nhật thực hoặc che khuất - giúp Aditya-L1 thuận tiện quan sát các hoạt động của Mặt trời liên tục.

Điểm L1 hiện là nơi đang đặt 4 đài quan sát Mặt trời của NASA là Vệ tinh quan sát Mặt trời và Nhật quyển (SOHO) của ESA/NASA; Đài quan sát khí hậu không gian sâu (DSCOVR); Phòng thí nghiệm gió Mặt trời toàn diện (WIND) và Vệ tinh thám hiểm không gian (ACE).

Nếu Aditya-L1 của Ấn Độ đến Điểm L1 thành công, thì cùng với tàu của NASA (Mỹ), tại khu vực đặc biệt này sẽ chỉ có 5 đài quan sát/tàu vũ trụ tính tại thời điểm hiện tại.

ISRO cho biết, Aditya-L1, sứ mệnh không gian nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của nước này, đã bắt đầu thu thập dữ liệu bằng cách triển khai một trong bảy thiết bị trên tàu (là STEPS) vào ngày 18/9, một ngày trước khi nó rời khỏi quỹ đạo Trái đất, và gửi về cho ISRO nghiên cứu.

STEPS là Máy quang phổ hạt năng lượng và nhiệt Supra, là một phần của thiết bị Thí nghiệm hạt gió Mặt trời Aditya (ASPEX). STEPS bao gồm sáu cảm biến, mỗi cảm biến quan sát theo các hướng khác nhau và đo các ion siêu nhiệt và năng lượng.

Thiết bị STEPS đã được ISRO kích hoạt vào ngày 10/9 ở khoảng cách lớn hơn 50.000 km tính từ Trái đất và đang hoạt động bình thường.

Khoảng cách này tương đương hơn 8 lần bán kính Trái đất, nằm ngoài khu vực vành đai bức xạ của Trái đất.

Tàu Ấn Độ đạt cột mốc mới: Đến nơi rất đặc biệt của vũ trụ, chỉ 4 tàu Mỹ ở đó - Ảnh 2.

Aditya-L1 là sứ mệnh không gian nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ. Ảnh: Internet

Dữ liệu thu thập được từ STEPS sẽ giúp các nhà khoa học phân tích hành vi của các hạt xung quanh Trái đất, Indiatimes thông tin.

Aditya-L1 mang bảy dụng cụ khoa học được phát triển bởi ISRO và các phòng thí nghiệm nghiên cứu quốc gia.

Những thiết bị này sẽ cung cấp những hiểu biết quan trọng về sức nóng của vành nhật hoa, sự phóng khối lượng của vành nhật hoa, các hoạt động tiền bùng phát và bùng phát cũng như động lực của thời tiết không gian.

Bốn trong số 7 dụng cụ này sẽ quan sát trực tiếp Mặt trời, trong khi ba dụng cụ khoa học còn lại sẽ thực hiện các nghiên cứu tại chỗ về các hạt và trường tại Điểm L1.

Điểm Lagrange là gì, có mấy điểm Lagrange?

Tàu Ấn Độ đạt cột mốc mới: Đến nơi rất đặc biệt của vũ trụ, chỉ 4 tàu Mỹ ở đó - Ảnh 3.

Các Điểm Lagrange của hệ Trái đất-Mặt trời. Nguồn: NASA

Theo NASA, Điểm Lagrange là các vị trí trong không gian nơi các vật thể được gửi đến đó có xu hướng đứng yên.

Tại các điểm Lagrange, lực hấp dẫn của hai khối lượng lớn bằng chính xác lực hướng tâm cần thiết để một vật nhỏ chuyển động cùng chúng.

Những điểm này trong không gian có thể được tàu vũ trụ sử dụng để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu cần thiết để duy trì vị trí.

Điểm Lagrange được đặt tên để vinh danh nhà toán học người Ý gốc Pháp Josephy-Louis Lagrange.

Có 5 Điểm Lagrange của hệ Trái đất-Mặt trời. Trong số đó, có ba điểm không ổn định và hai điểm ổn định.

Các điểm Lagrange không ổn định – là L1, L2 và L3 – nằm dọc theo đường nối hai khối lượng lớn.

Các điểm Lagrange ổn định - là L4 và L5 - tạo thành đỉnh của hai tam giác đều. L4 dẫn đầu quỹ đạo Trái đất và L5 theo sau.

Điểm L1 của hệ Trái đất-Mặt trời mang lại tầm nhìn không bị gián đoạn về Mặt trời.

Điểm L2 của hệ Trái đất-Mặt trời là "ngôi nhà" của tàu vũ trụ WMAP; Planck.

Điểm L2 lý tưởng cho thiên văn học vì tàu vũ trụ đủ gần để dễ dàng liên lạc với Trái đất, có thể giữ Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng phía sau tàu vũ trụ để lấy năng lượng Mặt trời và (với sự che chắn thích hợp) cung cấp tầm nhìn rõ ràng về không gian sâu cho kính viễn vọng của chúng ta.

Tàu Ấn Độ đạt cột mốc mới: Đến nơi rất đặc biệt của vũ trụ, chỉ 4 tàu Mỹ ở đó - Ảnh 4.

Các điểm Lagrange không ổn định là L1, L2 và L3. Các điểm Lagrange ổn định là L4 và L5 Nguồn: NASA

Các điểm L1 và L2 không ổn định trong khoảng thời gian xấp xỉ 23 ngày, điều này đòi hỏi các vệ tinh quay quanh các vị trí này phải trải qua quá trình điều chỉnh hướng và hướng đi thường xuyên.

NASA khó có thể tìm thấy bất kỳ công dụng nào của điểm L3 vì nó luôn ẩn sau Mặt trời. Ý tưởng về một hành tinh ẩn giấu đã là một chủ đề phổ biến trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Các điểm L4 và L5 là nơi có quỹ đạo ổn định miễn là tỷ số khối lượng giữa hai khối lượng lớn vượt quá 24,96. Điều kiện này được thỏa mãn cho cả hệ Trái đất-Mặt trời và Trái đất-Mặt trăng cũng như cho nhiều cặp vật thể khác trong Hệ Mặt trời.

Nguồn: ISRO, India Times, India Today, NASA

Cùng chuyên mục

Đọc thêm