Theo công bố của Tập đoàn Masan (Mã: MSN), quý II, tập đoàn đạt 17.834 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 1.215 tỷ đồng, giảm 16% về doanh thu nhưng tăng 15,3% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc chủ sở hữu của công ty là 981 tỷ, tăng 24%.
Do tác động của chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đầu năm của Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương, doanh thu thuần của Masan tăng 9,1% so với cùng kỳ do tăng trưởng tại Masan High-Tech Materials và tăng trưởng ổn định tại Masan Consumer Holdings.
Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 3.110 tỷ đồng, tăng trưởng 122,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng ghi nhận 2.577 tỷ, gấp 2,63 lần 6 tháng đầu năm 2021.
The CrownX thu về hơn 26.000 tỷ nửa đầu năm
Về The CrownX là nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce và Masan Consumer Holdings vẫn tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt doanh thu thuần 26.092 tỷ đồng. Nhờ đó, The CrownX vẫn ghi nhận 3.178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong nửa đầu năm 2022 tăng 11,7% và 1.146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, doanh thuWinCommerce đạt 14.305 tỷ đồng, giảm 1,1% và EBITDA đạt 315 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2022, dù doanh thu giảm 3% nhưng WinCommerce đạt biên EBITDA 2,2% do biên lợi nhuận thương mại tăng 270 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2021.
Masan Consumer Holdings, doanh thu thuần đạt 12.355 tỷ đồng và EBITDA đạt 2.851 tỷ đồng nửa đầu năm, lần lượt tăng trưởng 7,7% và 11,5% so với cùng kỳ. Do nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp hơn dự kiến vào quý I, lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối gia tăng vào cuối quý này. Ban điều hành cho biết đã nhanh chóng điều chỉnh trong quý II, đưa lượng hàng tồn kho về mức bình thường, tạo điều kiện cho mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số và gia tăng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 với kế hoạch kiểm soát chặt chi phí khuyến mãi.
Trong 6 tháng, hầu hết các ngành hàng chủ lực đều tăng trưởng mạnh như thịt chế biến, cà phê và bia, với mức tăng lần lượt là 57,8%, 33,1% và 19,3%. Tuy nhiên, doanh thu từ gia vị và thực phẩm tiện lợi chỉ tăng nhẹ lần lượt là 2,1% và 6,9% so với mức nền doanh thu cao vào quý II/2021 trong thời gian giãn cách xã hội, và giảm lần lượt 2,6% và 17,4% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình giảm 4% trong nửa đầu năm 2022.
Doanh thu từ các sản phẩm mới ra mắt trong quý IV/2021 và 6 tháng đóng góp 38% vào tăng trưởng doanh thu tạiMasan Consumer Holdings. Ban điều hành kỳ vọng tăng tốc ra mắt các sản phẩm mới trong nửa cuối năm 2022 để thúc đẩy đà tăng trưởng.
Vượt qua áp lực lạm phát, biên lợi nhuận gộp củaMasan Consumer Holdings tăng 60 điểm cơ bản, lên 40,2% so với nửa đầu năm ngoái nhờ vào việc kiểm soát chi phí đầu vào và tối ưu chiến lược định giá sản phẩm. Biên EBITDA vẫn duy trì ở mức 23,1% trong nửa đầu năm 2022.
Cầu và giá hàng hoá tăng giúp Masan High-Tech Materials lãi hơn 1.800 tỷ nửa đầu năm
Masan High-Tech Materials đạt doanh thu thuần 8.123 tỷ đồng và EBITDA đạt 1.822 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng trưởng lần lượt 33% và 52,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá hàng hóa tăng và nhu cầu vật liệu công nghiệp gia tăng.
Với Masan MEATLife’s (Mã: MML) do đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của MML giảm 81% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.941 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Doanh thu này hoàn toàn đến từ mảng kinh doanh thịt. Trên cơ sở so sánh tương đương, loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MML chỉ giảm 6,1% do giá thịt heo giảm, được bù đắp bởi lượng hàng bán ra cao hơn của mảng thịt heo.
Biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA của mảng trang trại heo trong nửa đầu năm đạt 17,6% và 25,5%, giảm so với mức 44,9% và 50% trong cùng kỳ năm trước. Giá thịt heo đầu vào thấp hơn trong khi giá bán giữ vững ở mức ổn định đã giúp biên EBITDA của mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tăng 140 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.
Biên EBITDA mảng thịt gà tăng từ 21,6% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 9,3% trong cùng kỳ năm 2022 nhờ giá thịt gà cao hơn.
Nửa đầu năm nay, Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động.