Doanh nghiệp

Tập đoàn bao bì của Đức rót thêm 810 tỷ, mở rộng nhà máy Việt Nam lên 10ha - lớn nhất Đông Nam Á

Tập đoàn bao bì của Đức rót thêm 810 tỷ, mở rộng nhà máy Việt Nam lên 10ha - lớn nhất Đông Nam Á- Ảnh 1.

Dongtam Group vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư để cho thuê đất trong Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam Á Long An (do Dongtam Group làm chủ đầu tư) với Tập đoàn QuickPack của Đức. Cụ thể, QuickPack sẽ thuê 60.000 m2 đất để mở rộng quy mô nhà máy, với tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 30 triệu EUR (tương đương 810 tỷ đồng).

Đây là Nhà máy sản xuất bao bì các loại dùng trong ngành thực phẩm lớn nhất khu vực Đông Nam Á của QuickPack được đặt tại tỉnh Long An, Việt Nam. Đồng thời, đây cũng không phải lần đầu QuickPack có mặt ở Việt Nam.

Được biết, QuickPack đầu tư vào Việt Nam từ năm 2017 với nhà máy đầu tiên vào KCN Thuận Đạo, tỉnh Long An. Tập đoàn cũng là một trong số nhà đầu tư FDI lớn của tỉnh. Năm đầu tiên, QuickPack đã xuất khẩu hơn 50 TEUs, đến năm 2024 con số xuất khẩu tăng lên hơn 2.000 TEUs. Sau 7 năm phát triển, QuickPack quyết định tiếp tục mở rộng quy mô dự án 10ha KCN, tăng gấp đôi công suất của QuickPack tại Việt Nam.

Dự kiến Nhà máy khởi công từ năm 2025 và sẽ được đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhất trên thế giới để sản xuất các mặt hàng cao cấp, 100% xuất khẩu cho thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Kế hoạch trong năm 2025, QuickPack sẽ xuất khẩu trên 3.500 TEUs hàng hóa đến các thị trường trọng điểm này.

Doanh thu của các nhà máy tại Đức, Ba Lan và Việt Nam trong năm 2024 đạt 500 triệu EUR (13.500 tỷ đồng) và dự kiến sẽ tăng lên 550 triệu EUR (gần 15.000 tỷ đồng) vào năm 2025.

Tập đoàn bao bì của Đức rót thêm 810 tỷ, mở rộng nhà máy Việt Nam lên 10ha - lớn nhất Đông Nam Á- Ảnh 2.

Ảnh: Dongtam Group ký ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với QuickPack.

Theo tầm nhìn của chính quyền, chiến lược của tỉnh Long An là xây dựng phát triển huyện Cần Giuộc trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, cửa ngõ giao lưu thương mại.

Trong đó, lấy khu Cảng Quốc tế Long An, khu kinh tế Long An, hệ thống giao thông vành đai, trục động lực làm động lực tăng trưởng , phát triển mô hình kinh tế mới trên cơ sở đô thị hiện hữu, hệ thống công nghiệp đa ngành, cảng và hậu cần cảng, logistics, du lịch, dịch vụ, thương mại, đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm