Thời sự

Tăng lương cơ sở sẽ ảnh hưởng thế nào đến người lao động?

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2023 thay thế Nghị định 38/2019, quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, từ ngày 1-7, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.490.000 đồng lên 1,8 triệu đồng.

Việc tăng mức lương cơ sở như trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lương hưu của người lao động (NLĐ) sau này? Mức lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng mà các đối tượng đang được hưởng có tăng lên?…

Đây là một số câu hỏi của bạn đọc trước thông tin tăng mức lương cơ sở.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, để giải đáp những thắc mắc trên.

Mức trợ cấp liên quan đến BHXH sẽ tăng

- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc tăng mức lương cơ sở lần này?

+ Ông Trần Dũng Hà: Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mặc dù nền kinh tế của nước ta có sự hồi phục nhất định. Tuy nhiên, việc hồi phục như hiện nay chưa như mong muốn và NLĐ ít nhiều vẫn còn bị ảnh hưởng.

Tăng lương cơ sở sẽ ảnh hưởng thế nào đến người lao động? - 1

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM.

Việc tăng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1,8 triệu đồng thể hiện sự quan tâm đối với người dân, người đang đi làm hưởng lương. Đồng thời, việc tăng mức lương cơ sở đồng nghĩa với việc NLĐ có tham gia BHXH cũng sẽ được hưởng lợi.

Ví dụ, đối với chế độ trợ cấp một lần khi sinh con, trước đây được tính bằng hai mức lương cơ sở là 1.490.000 x 2 = 2.980.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay lương cơ sở tăng lên thì được tính là 1,8 triệu đồng x 2 = 3,6 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với người nghỉ hưu có tham gia BHXH bắt buộc, từ ngày 1-7, lương hưu thấp hơn 1,8 triệu đồng sẽ được nâng lên 1,8 triệu đồng.

. Thưa ông, từ ngày 1-7, mức lương cơ sở sẽ tăng lên, vậy mức lương hưu của NLĐ có được tăng theo?

+ Khi mức lương cơ sở tăng thì lương hưu của những người có thời điểm hưởng (lương hưu) từ ngày 1-7-2023 trở đi sẽ tăng. Bởi theo quy định, mức tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ hưu trí được xác định bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở nên chắc chắn mức lương hưu cũng sẽ tăng thêm.

Riêng đối với NLĐ theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, việc mức lương cơ sở tăng từ ngày 1-7 không ảnh hưởng đến mức lương hưu hằng tháng của NLĐ.

Tăng lương cơ sở sẽ ảnh hưởng thế nào đến người lao động? - 2

Đại diện người lao động ở TP Thủ Đức, TP.HCM phát biểu góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ngoài ra, Luật BHXH năm 2014 có quy định mức lương hưu của người tham gia BHXH bắt buộc, nếu thấp hơn mức lương cơ sở thì sẽ được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở.

NLĐ đóng BHXH cao, lương hưu sẽ cao

Việc tăng mức lương cơ sở sẽ phần nào ảnh hưởng đến lương hưu sau này của NLĐ. Điều này có tác động như thế nào đến việc rút BHXH một lần, thưa ông?

Việc tăng lương lần này, theo tôi cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc NLĐ có quyết định rút BHXH một lần hay không.

Bởi việc rút BHXH một lần của NLĐ xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không phải vì lương cơ sở thấp mà NLĐ chọn rút.

Luật BHXH (sửa đổi) có đưa ra hai phương án để tính tiền lương tháng đóng BHXH. Phương án thứ nhất, giữ nguyên theo quy định hiện nay là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Phương án thứ hai, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác. Vậy theo ông, phương án nào sẽ có lợi cho NLĐ?

Các nhà làm luật đưa ra những phương án trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), theo tôi, không phải để Quỹ BHXH thu được nhiều tiền mà mục tiêu chính là khi NLĐ còn sức lao động, NLĐ đóng nhiều tiền vào quỹ thì cuối cùng sẽ được trả lại khi NLĐ về già.

Cùng với mục tiêu trên, vấn đề chọn phương án nào cũng phải đảm bảo khi NLĐ đóng BHXH thì NLĐ vừa có khoản tiền khi về già vừa đảm bảo được cuộc sống hiện tại. Tôi nghĩ đây là cái quan trọng và sâu xa nhất của việc điều chỉnh mức đóng BHXH hằng tháng trong dự thảo lần này.

Ngoài ra, hiện nay đóng BHXH thì NLĐ chỉ đóng 1/3 mức đóng, còn người sử dụng lao động đóng 2/3 mức đóng. Thế nhưng, việc hưởng quyền lợi thì chỉ có NLĐ được hưởng.

Chính vì thế, trên thực tế, xu thế người sử dụng lao động trốn đóng BHXH nhiều hơn NLĐ. Vì thế, những quy định về trốn đóng BHXH càng chặt chẽ thì quyền lợi của NLĐ càng được đảm bảo.

Phương án rút BHXH một lần nào có lợi cho người lao động?

Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có đưa ra hai phương án về rút BHXH một lần. Phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành. NLĐ tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần.

Phương án hai, cho NLĐ rút một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Về lâu dài thì NLĐ chọn phương án nào sẽ có lợi hơn?

Với hai phương án trên, hiện nay đang được lấy ý kiến của nhiều tầng lớp trong xã hội trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Hiện nay, theo tôi thấy có hai quan điểm trái chiều. Một bên ủng hộ quy định cho NLĐ rút hết tiền BHXH như hiện nay. Một bên cũng có NLĐ đề nghị rút 50% và cho giữ 50% để sau này nhận trợ cấp BHXH… Cả hai phương án đều có người đồng tình và người không đồng tình.

Riêng quan điểm của tôi thì chọn phương án thứ hai, bởi ít ra NLĐ khi rút BHXH một lần vẫn còn một nửa để Nhà nước quản lý để chăm lo cho NLĐ sau này khi họ hết tuổi lao động thông qua việc trả chi phí bổ sung hoặc trợ cấp BHXH.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm