Các nhà trung gian hòa giải nối lại đàm phán tại thủ đô Cairo - Ai Cập trong 2 ngày 3 và 4-3 trong nỗ lực đạt đột phá về thỏa thuận ngừng bắn mới tại Dải Gaza. Hy vọng về thỏa thuận nói trên đã gia tăng sau vòng đàm phán mới đây tại Doha, do Qatar và Ai Cập làm trung gian.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hy vọng một lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 10-3.
Ngày 2-3, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hãng tin Reuters biết Israel đã chấp thuận khuôn khổ cho việc tạm dừng xung đột kéo dài 6 tuần. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào việc Hamas có đồng ý thả các con tin bị bắt giữ sau cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 7-10-2023 hay không.
Theo trang Bloomberg, hơn 130 con tin được cho là vẫn đang bị cầm giữ ở Dải Gaza. Israel tin rằng khoảng 30 người trong số này đã thiệt mạng.
Trong khi đó, các nguồn tin Ai Cập và một quan chức Hamas cho hay Hamas không từ bỏ quan điểm rằng lệnh ngừng bắn tạm thời phải là bước khởi đầu cho một tiến trình dẫn đến chấm dứt xung đột hoàn toàn. Tuy nhiên, Hamas đã được bảo đảm rằng các bên liên quan sẽ thảo luận về điều kiện cho một lệnh ngừng bắn lâu dài trong giai đoạn thứ 2 và thứ 3 của thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đang chịu áp lực ngày càng tăng trước tình cảnh của người Palestine ở Dải Gaza sau 5 tháng nổ ra xung đột. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo 1/4 dân số tại đó - khoảng 576.000 người - sắp rơi vào cảnh đói.
Trong bối cảnh như thế, máy bay quân sự Mỹ ngày 2-3 bắt đầu thả hàng cứu trợ từ trên không xuống vùng đất này. Theo đài CNBC, tổng cộng 66 gói hàng chứa khoảng 38.000 suất ăn đã được thả xuống Gaza trong chiến dịch cứu trợ có sự phối hợp của Lực lượng Không quân Hoàng gia Jordan.
Mỹ cho biết các chuyến cứu trợ tương tự sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Trước đó, Jordan đã tiến hành nhiều đợt thả hàng cứu trợ với sự hỗ trợ của một số nước như Anh, Pháp, Hà Lan. Ngày 29-2, Ai Cập cũng triển khai máy bay quân sự để cùng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất tiến hành hoạt động cứu trợ tương tự.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhấn mạnh lệnh ngừng bắn sẽ cho phép gia tăng đáng kể số lượng hàng cứu trợ được đưa vào Dải Gaza, đồng thời cho rằng việc thả hàng cứu trợ không thay thế các đoàn xe cứu trợ.
Theo tờ Times of Israel, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói thêm việc thả hàng cứu trợ từ trên không là "chiến dịch quân sự khó khăn", đòi hỏi Lầu Năm Góc lên kế hoạch cẩn thận vì sự an toàn của cả dân thường ở Dải Gaza và quân nhân Mỹ.
Cũng trong ngày 2-3, theo trang UN News, Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố mới, theo đó bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng toàn bộ dân số ở Dải Gaza có thể phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Họ nhắc lại yêu cầu đối với các bên về việc ngay lập tức cho phép và tạo điều kiện cho các chuyến hàng viện trợ nhanh chóng đi vào lãnh thổ này để đến với dân thường Palestine. Hội đồng Bảo an cũng tiếp tục kêu gọi Israel mở thêm các cửa khẩu biên giới để gia tăng số lượng hàng viện trợ có thể vào Dải Gaza.
Môi trường biển Đỏ bị đe dọa
Quân đội Mỹ và chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen ngày 2-3 xác nhận tàu Rubyman thuộc sở hữu của Anh đã chìm ở biển Đỏ. Trước đó, một vụ tấn công tên lửa của lực lượng Houthi tại Yemen ngày 18-2 đã khiến tàu bị hư hại đáng kể cũng như gây ra vết dầu loang dài 29 km. Đây là tàu đầu tiên bị chìm kể từ khi Houthi bắt đầu tấn công tàu thương mại trên biển Đỏ vào tháng 11-2023 và tuyên bố động thái này nhằm bày tỏ đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza.
Điều đáng lo là tàu trên chở khoảng 21.000 tấn phân bón - mặt hàng nguy hại cho các sinh vật biển. Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết ngoài đe dọa môi trường biển, tàu chở hàng bị chìm này còn gây nguy cơ va chạm dưới mặt nước đối với các tàu khác khi đi qua tuyến đường thủy tấp nập này. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Yemen Ahmed Awad bin Mubarak nhận định vụ chìm tàu Rubyman là "thảm họa môi trường" mà Yemen và khu vực chưa từng trải qua trước đây.