Sản xuất vẫn đang trong giai đoạn khó khăn
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Số liệu cho thấy xuất, nhập khẩu vẫn tiếp tục giảm mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 4 tháng, tổng giá trị xuất khẩu đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8%.
Về nhập khẩu, kim ngạch tháng 4 ước đạt 26 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng 3 và giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt kim ngạch 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê lý giải sự sụt kim ngạch xuất nhập khẩu này chủ yếu do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xuất khẩu sụt giảm là điều đã được dự báo trước khi nhập khẩu - chỉ số cảnh báo vẫn giảm. Do nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xuất khẩu, nhập khẩu vẫn giảm cho thấy xuất khẩu trong vài tháng tới vẫn gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu có thể phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 và được hỗ trợ từ việc nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
S&P Global mới đây cũng vừa công bố báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, theo đó PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm khi giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3.
"Dữ liệu của tháng 4 cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp, và các công ty đã giảm tương ứng việc làm và hoạt động mua hàng. Trong khi đó, áp lực chi phí tiếp tục giảm, từ đó giúp các công ty giảm giá bán hàng của họ để thúc đẩy nhu cầu", báo cáo cho biết.
Trong bối cảnh xuất khẩu, sản xuất suy yếu, điểm sáng đáng chú ý phải kể đến lĩnh vực du lịch. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 4 có 112.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 61,5% so với tháng 3. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường khách du lịch của Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn này.
Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách nước ngoài. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống của Việt Nam thu về 214.800 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2022.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt khoảng 650.000 tỷ đồng. Với gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm, ngành du lịch đã đạt gần 50% mục tiêu kế hoạch năm 2023.
Chờ đợi thời điểm lãi suất huy động giảm
Dự báo về điểm nhấn vĩ mô những tháng tới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề cập đến một loạt chính sách được ban hành kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng.
Cụ thể, Thông tư 02 và 03 của (Ngân hàng Nhà nước) NHNN được ban hành ngày 23/4/2023 mở ra hành lang pháp lý để ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14/4/2023 cho phép gia hạn thời gian nộp thuế đối với một số loại thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Về điều hành chính sách tiền tệ, lạm phát Mỹ hạ nhiệt, thị trường hiện kỳ vọng Fed có thể dừng tăng lãi suất sau cuộc họp hôm 2 - 3/5 và bắt đầu giảm lãi suất sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023 do gia tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Với Việt Nam, dự báo NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm nay.
Trong trường hợp Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2023, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước tiếp tục hạ nhiệt, NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023, có thể trong quý III/2023.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) chưa tác động ngay đến lãi suất cho vay do trên thực tế, kỳ hạn huy động từ 6 tháng trở lên mới là nguồn vốn quan trọng với ngân hàng. Vì thế lãi suất cho vay doanh nghiệp chưa thể giảm nhanh như lãi suất huy động mà sẽ giảm chậm hơn.
Hiện, có hai tổ chức trong nước là CTCP Chứng khoán VNDirect và CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cùng chung nhận định mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng sẽ giảm xuống 7%.
Trong khi đó, Giảng viên cao cấp đại học Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thànhcho rằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm nhưng khó quay về mặt bằng như giai đoạn dịch COVID-19.
"Giai đoạn đó, lãi suất tiền giửi bình quân khoảng 7,5%, đến cuối năm ngoái lên 10,5% và hiện giảm được khoảng 1% xuống 9,5%. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa và sẽ có tính trồi sụt chứ không hẳn theo đà giảm và khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới.
"Thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong lãi suất sẽ quay lại mức thấp như giai đoạn 2020 - 2021", ông Nguyễn Xuân Thành nói.