Bên cạnh xu hướng bỏ phố về quê, nhiều người trẻ còn chọn cách chuyển đến sinh sống ở những miền rừng núi. Đó có thể là quê hương của họ nhưng đôi khi lại là một vùng đất hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, dù là ở đâu, họ cũng đều có điểm chung là chọn cách từ bỏ cuộc sống hiện đại ở phố thị, từ bỏ công việc với mức lương ổn định để hòa mình vào thiên nhiên. Quyết định này không hề dễ dàng và mỗi người lại có một lý do của riêng mình.
Muốn tìm thử thách mới
Trước khi rời Thủ đô để về rừng, Nguyễn Thế Ngọc (SN 1989, quê Hà Nam) kinh doanh online với nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, Ngọc nhận thấy thị trường ngày càng khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, cần phải có thu nhập cao hơn nếu muốn tiếp tục ở thành phố. Vì vậy, anh chàng nhen nhóm ý định về rừng.
Người thân và bạn bè phản đối ý tưởng này khá nhiều nhưng Ngọc vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình tại một mảnh đất rừng hoang ở Tuyên Quang của người quen. Nơi này cách khu dân cư đang phát triển khoảng 4km, có núi đồi bao quanh, không khí trong lành yên tĩnh.
Ngôi nhà giữa rừng của Thế Ngọc
Ngọc bắt đầu từ việc xây 1 căn nhà nhỏ, không có điện lưới nên anh chàng dùng ắc quy. Ban đầu anh bắt cá ở hồ và hái rau rừng nấu ăn, sau đó mới cải tạo đất hoang để trồng trọt và chăn nuôi.
Dù yêu đất yêu rừng nhưng Ngọc đã xác định chỉ về ở khoảng vài năm, vừa trải nghiệm vừa thử thách bản thân. Anh cũng cho biết về đây không phải để ở ẩn hay hưởng cuộc sống an nhàn mà muốn có được thành công, thành tựu để giúp đỡ mọi người.
Để được là chính mình, chữa lành cho bản thân
Đầu năm 2022, Nguyễn Xuân Thượng (SN 1997) đã quyết định rời TP.HCM để về chuyển về thị trấn D'ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Trước đó, công việc của anh chàng là nhiếp ảnh gia, chuyên chụp đám cưới và mỗi ngày bị cuốn theo guồng quay công việc, kiếm tiền.
Vì vậy với Thượng, bỏ phố về rừng là cách yêu thương chính mình, làm điều mà bản thân cảm thấy hạnh phúc. Chàng trai 25 tuổi khẳng định bỏ phố về rừng là lúc được sống là chính mình, được cảm giác tự do, gần gũi với những điều xinh đẹp và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Ngoài ra cũng nhờ môi trường trong lành từ không khí đến nguồn nước mà Thượng cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, ít bệnh vặt.
Nguyễn Xuân Thượng
Gia đình Thượng cũng không yên tâm và đồng ý với quyết định của con trai ngay lập tức. Vì vậy anh chàng phải dành thời gian giải thích và thuyết phục mọi người. Bản thân chàng trai 25 tuổi cũng cần thời gian thích nghi với điều kiện sống thiếu thốn ở nơi ở mới.
Hiện tại Thượng và những bạn cùng lý tưởng đã quen thuộc và bắt nhịp với cuộc sống hòa mình với thiên nhiên. Mỗi ngày anh chàng có thời gian ngắm bình minh, đọc sách hoặc thiền còn buổi tối mọi người quây quần nấu ăn, chia sẻ về trải nghiệm và định hướng trong cuộc sống cũng như công việc của cả nhóm.
Sau một thời gian bỏ phố về rừng, Thượng cảm thấy sự lựa chọn này là đúng đắn và xứng đáng. Anh chàng thấy yêu công việc mình đang làm vì mình cảm nhận được niềm vui và sự tự do của những người bạn đồng hành khi được "trở về" với thiên nhiên. Với Thượng, đi với các bạn cũng là đi cho mình, mỗi ngày anh đều cảm thấy vui vẻ và tâm hồn rộng mở hơn.
Phát triển nông nghiệp bền vững và dịch vụ lưu trú trải nghiệm du lịch
Sau 6 năm học tập - làm việc ở Đà Nẵng và gần 3 năm ở Đà Lạt, Kim Phùng Thuỷ (30 tuổi, Gia Lai) quyết định về Gia Lai để lập nghiệp vào cuối năm 2019. Quyết định này thực sự không dễ dàng bởi cô đã có gần 10 năm làm việc quên thời gian với một công việc có mức lương tốt.
Phùng Thủy
Dù gia đình đã có nhiều năm trồng trọt nhưng Thủy không có hề có chút kinh nghiệm nào trong chuyện trồng trọt. Phải cần một thời gian nghiên cứu, tự tìm hiểu, cô mới bắt tay vào khởi nghiệp với vườn tược, cây cối giữa mảnh đất Tây Nguyên.
Về sống giữa đại ngàn, Thủy học cách trở thành một người nông dân, một người làm vườn. Tuy nhiên cô vẫn cảm thấy chưa trở thành một người nông dân chính hiệu vì theo cô, để trở thành người làm vườn chuyên nghiệp cần học học nhiều hơn nữa, cả về kiến thức lẫn kỹ năng.
Hiện tại - sau 3 năm bỏ phố về vườn, Thủy đã có một nông trại kết hợp phát triển nông nghiệp bền vững và dịch vụ lưu trú trải nghiệm du lịch. Cô chủ 9x đặc biệt xem trọng việc phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng nguyên liệu, sự hoà hợp giữa con người và môi trường sinh sống.
Có nhiều thời gian để phụng dưỡng ông bà
Đó là câu chuyện của Nguyễn Linh (31 tuổi, Thanh Hóa). Đầu năm 2020, anh chàng quyết định từ bỏ công việc với mức thu nhập 9 - 10 triệu đồng/tháng, rời Hà Nội về Thanh Hóa. Ở thời điểm đó, ngoài lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp, mục đích chính của Linh là muốn có thời gian chăm sóc và phụng dưỡng ông bà.
Ngôi nhà ven rừng của ông bà Linh
Vì nhà ông bà ở vùng miền núi, thậm chí không có điện lưới chứ đừng nói đến các tiện nghi nên thời gian đầu, Linh cũng gặp không ít khó khăn để thích nghi. Hiện tại, mọi thứ đã dần đi vào ổn định, ngoài việc phụ giúp ông bà việc nhà và việc đồng áng, Linh còn đi rừng tìm mật ong, hái nấm, hái cây thuốc,... Những sản vật địa phương sẽ được anh chàng mang xuống thị trấn hoặc lên mạng bán để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Sau 2 năm bỏ phố về quê, Linh cảm thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Ở đó, anh chàng có thời gian ở gần ông bà, học được rất nhiều kinh nghiệm từ ông. Đến giờ Linh có thể sinh tồn được trong rừng mà không lo bị đói, có thể kiếm được tiền ngay trên mảnh đất mà mình được sinh ra.
Anh chàng đi rừng cùng ông
Việc được tận hưởng không khí trong lành mỗi ngày, hòa mình vào thiên nhiên cũng giúp Linh khỏe khoắn, nhiều năng lượng hơn. Mục tiêu gần nhất của anh chàng là tiết kiệm tiền để cuối năm nay sửa nhà và kéo điện lưới về cho ông bà vì hiện tại gia đình vẫn đang dùng bình ắc quy và đèn dầu.