Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng và khoảng 3.670 ha rừng.
Quý I/2022, toàn quốc xảy ra 443 vụ cháy; làm chết 21 người, bị thương 25 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 57,9 tỷ đồng.
Số vụ cháy gồm: 173 vụ cháy nhà dân; 84 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh; 64 vụ cháy phương tiện giao thông; 36 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; 09 vụ cháy chung cư; 08 vụ cháy trụ sở làm việc; 06 vụ cháy rừng; 02 vụ cháy trạm biến áp, nhà máy điện; 02 vụ cháy cơ sở giáo dục; 01 vụ cháy cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại, siêu thị và 58 vụ cháy các loại hình cơ sở khác.
Nhìn vào những con số thống kê chi tiết mới thấy đối tượng nhà ở (nhà dân) chiếm tỷ lệ cháy nổ khá lớn, gần 40% tổng các vụ cháy.
Tuy nhiên, trên thực tế ngoại trừ các công trình công cộng, nhà máy, kho xưởng, các khu chung cư, bệnh viện,... phải đạt yêu cầu bắt buộc về hệ thống PCCC theo quy định của pháp luật, thì đa phần các ngôi nhà dân dụng đều không có thiết bị PCCC.
Đừng nói những ngôi nhà nhỏ bé với chi phí xây dựng thấp, ngay cả những ngôi biệt thự lộng lẫy, xa hoa và hoành tráng nhất, nơi mà chủ nhân có thể bỏ hàng chục tỷ đồng để trang trí nội ngoại thất, ốp gỗ quý, đá quý, thậm chí khảm vàng, ngọc,.. nhưng lại ít chú ý đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC.
Bởi lẽ, trước hết ý tưởng này là một điều gì đó rất "xúi quẩy" theo quan điểm duy tâm, làm nhà chưa ở đã nghĩ đến chuyện hoả hoạn. Lý do thứ hai là rào cản về chi phí để lắp đặt một hệ thống phòng cháy chữa cháy khá lớn, trong khi xác suất sử dụng thấp.
Và điều quan trọng nhất, có lẽ đa phần do mọi người đều chủ quan với suy nghĩ "Chuyện rủi ro sẽ không bao giờ xảy ra với mình hay gia đình mình".
Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) gồm những gì, chi phí lắp đặt ra sao?
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy đúng như tên gọi, bao gồm hệ thống báo cháy tự động và hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động bằng nước, hơi nước, bột, bọt, khí,...
Hệ thống báo cháy tự động được cấu thành từ các bộ phận cơ bản như: trung tâm báo cháy, đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, thiết bị báo bằng âm thanh và ánh sáng, các thiết bị liên kết và nguồn điện. Mỗi bộ phận của hệ thống phải đảm bảo có đủ chức năng cơ bản và phải tích hợp liên kết thành hệ thống báo cháy hoàn chỉnh.
Thiết bị báo cháy sẽ sẽ hoạt động liên tục trong 24 giờ và phát hiện các dấu hiệu cháy như nhiệt độ tăng cao đột ngột, có khói, lửa, khí ga… và thông báo cho con người ngăn chặn kịp thời sự cố cháy nổ.
Hình ảnh minh hoạ 1 số thiết bị báo cháy
Tuỳ theo nhãn hiệu, chủng loại và độ phủ của hệ thống (diện tích của toà nhà) mà hệ thống báo cháy tự động sẽ có giá dao động từ hơn 10 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng.
Hệ thống chữa cháy (HTCC) được lắp đặt phổ biến hiện nay là HTCC vách tường và HTCC tự động.
Hệ thống chữa cháy vách tường là hệ thống chữa cháy thường được đặt ở các vách tường, cầu thang thoát hiểm, hành lang thang máy. Hệ thống sử dụng nước để chữa cháy bao gồm trạm bơm cũng cấp nước chữa cháy được kết nối với hệ thống họng lấy nước vách tường. Khi xảy ra sự cố cháy thì chỉ cần mở van chặn, ngay lập tức dòng nước áp lực cao sẽ phun ra chữa cháy. Lúc đó áp lực của nước sẽ giảm, hệ thống bơm nước sẽ tự động làm việc để cung cấp nước chữa cháy.
Hệ thống chữa cháy vách tường - Nguồn: xaydungso
Hệ thống sprinkler (Sprinkler system) là hệ thống chữa cháy tự động sử dụng vòi xả kín luôn ở chế độ thường trực, các vòi xả chỉ làm việc khi nhiệt độ môi trường tại đó đạt đến một giá trị kích hoạt nhất định. Vì vậy hệ thống sprinkler chỉ có khả năng chữa cháy theo điểm (chữa cháy cục bộ) trên một diện tích bảo vệ nhất định.
Hệ thống sprinkler - Nguồn: xaydungso
Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt, thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy, trong đó chi phí phụ thuộc vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, số lượng bộ phấn cấu thành nên hệ thống phòng cháy chữa cháy quyết định đến báo giá thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Thứ hai, công trình thi công được xây dựng với mục đích như thế nào, quy mô xây dựng ra sao?
Ví dụ xây dựng nhà ở dân sinh sẽ có mức chi phí khác so với xây dựng nhà ở kết hợp với kinh doanh. Quy mô xây dựng quyết định đến báo giá thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy bởi cùng một mục đích xây dựng nhưng với diện tích khác nhau sẽ có báo giá khác nhau, chênh lệch tùy theo diện tích xây dựng.
Thứ ba là chủng loại, nhãn hiệu các vật tư, thiết bị sử dụng sẽ cho ra những mức chi phí khác nhau.
Theo thống kê của trang xaydungso, độc giả có thể tham khảo đơn giá lắp đặt hệ thống chữa cháy tại các công trình xây dựng thông dụng. Với nhà ở dân dụng, chi phí có thể linh hoạt giảm tuỳ theo nhu cầu và mong muốn của gia chủ nhưng chung cuộc lại, đây quả thực là chi phí không nhỏ.
Đơn giá này chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi tùy theo từng địa phương, từng khu vực cũng như đơn vị nhận thi công, thiết kế phòng cháy chữa cháy.