Quỷ Azazel trong truyền thuyết Do Thái - Ảnh: THE LIBRARIANS
Ác quỷ thường được mô tả phổ biến với sừng trên đầu, chân đầy lông và móng guốc của một con dê.
Quá nhiều "thuyết âm mưu"
"Sự xuất hiện của ác quỷ không được mô tả trong kinh thánh", bà Marina Montesano, giáo sư Lịch sử Trung cổ tại đại học Messina của Ý, khẳng định với trang tin khoa học National Geographic.
Sau đó, ác quỷ được xác định là con rắn trong Vườn Địa đàng, kẻ đã thuyết phục Eva ăn trái cấm. Tuy nhiên, trong kinh thánh không hề đề cập đến sừng và móng guốc.
Tác phẩm "Adam, Eva và con rắn trong Vườn Đia Đàng" của họa sĩ Wenzel Peter - Ảnh: BẢO TÀNG VATICAN
Mô tả giống dê cũng không xuất hiện trong các hình ảnh ác quỷ thời trung cổ hoặc thậm chí thời Phục hưng.
Trong bức tranh khảm thế kỷ VI tại Vương cung thánh đường Sant'Apollinare Nuovo ở thành phố Ravenna, thủ phủ của tỉnh Ravenna, Ý, ác quỷ được mô tả là một thiên thần màu xanh lam.
Bức tranh khảm tại Vương cung thánh đường Sant' Apollinare Nuovo, Ravenna, Ý - Ảnh: ART LOUNGE
Sau đó, ác quỷ lại được xác định là "con thú" và nó được miêu tả là một con rồng: một bức tranh thế kỷ XV về Thánh Augustine đối đầu với ác quỷ mô tả ác quỷ là một sinh vật giống rồng với đôi cánh giống dơi.
Thánh Augustine đối đầu với ác quỷ - Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Ác quỷ là "thần rừng" Pan?
Nhưng sau đó xuất hiện Pan. Trong thần thoại Hy Lạp, Pan là vị thần hoang dã của những người chăn cừu và đàn gia súc. Pan thường được thể hiện dưới hình dạng một thần rừng với hai chân sau, móng guốc và sừng.
Để thuyết phục mọi người từ bỏ thuyết đa thần để ủng hộ tôn giáo mới, các nhà văn Cơ đốc giáo thời kỳ đầu đã coi Pan là một con quỷ. Nhưng việc cho rằng Pan là một con quỷ đã không giải thích được tại sao con quỷ quan trọng nhất - Satan - lại trông giống thần rừng.
Một số nhà sử học cho rằng mối liên hệ lâu đời giữa dê với thế giới ma quỷ giải thích cho những mô tả hiện đại về ma quỷ với sừng và móng guốc của dê.
Ví dụ, con quỷ Azazel có thể được liên tưởng đến hình ảnh nghi lễ "vật tế thần" trong truyền thuyết Do Thái. Ở đó một con dê mang tội lỗi của người Do Thái được gửi đến vùng hoang dã vào "Ngày Chuộc tội" (Yom Kippur).
Trong một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Numen, nhà sử học Alexander Kulik tại Đại học Hebrew (Jerusalem), lập luận rằng việc miêu tả ác quỷ có sừng và móng guốc bắt nguồn từ văn học Do Thái thời kỳ đầu.
Nội dung này có thể tìm thấy trong "Ngày tận thế của Baruch ở Hy Lạp", một tiểu thuyết được viết bằng tiếng Hy Lạp vào năm 70 sau Công nguyên. Tiểu thuyết mô tả một chủng tộc ác quỷ với phần sau của lừa.
Giáo sư Kulik nhận định vẻ ngoài của những con quỷ giống "thần rừng" bắt đầu được tô nặn trong tư tưởng người Do Thái từ thời điểm đó.
Tuy nhiên, ông Ronald Hutton, nhà sử học tại Đại học Bristol ở Anh, cho rằng những bức vẽ về quỷ có sừng bắt nguồn muộn hơn thế nhiều, chỉ hai thế kỷ trước, trong một cuộc phục hưng Tân ngoại giáo ở châu Âu nhằm thách thức niềm tin Cơ đốc giáo đang chiếm ưu thế.
Phong trào này bao gồm tác phẩm văn học "Cult of Pan" (giáo phái của Pan), trong đó đồng nhất hình tượng của Pan với ác quỷ, nhà sử học Hutton nói với trang tin Live Science.