Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng
Sáng nay (13/5), tỷ giá trung tâm tăng mạnh 12 đồng so với phiên liền trước, đang được niêm yết ở mức 23.163 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 23.858 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.468 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh từ 16 đến 30 đồng. Hiện giá bán USD tại các ngân hàng đã vượt xa mốc 23.000 VND.
Diễn biến này phản ánh tác động từ thế giới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất và đồng USD liên tục tăng cao trên thị trường thế giới. Trên thị trường quốc tế, hiện chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đứng tại mức 104,8 điểm, giảm 0,02% so với chốt phiên trước nhưng vẫn duy trì ở vùng cao nhất 20 năm.
Giá vàng giảm gần 1 triệu đồng/lượng
Trong khi đó, giá vàng trong nước hôm nay (13/5) lại giảm mạnh. Từ đầu giờ sáng đến chiều, giá vàng SJC đã rơi gần 1 triệu đồng, về ngưỡng 68,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Thị trường chứng khoán giảm sâu
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 56,07 điểm (-4,53%) xuống 1.182,77 điểm; toàn sàn có 37 mã tăng, 436 mã giảm (197 mã sàn) và 20 mã đứng giá. HNX-Index giảm 13,13 điểm (-4,16%) xuống 302,39 điểm; UPCoM-Index giảm 2,83 điểm (-2,93%) xuống 93,61 điểm.
20 mã ngân hàng mất 5 - 15% giá trị trong phiên thứ Sáu ngày 13/5
Bên nhóm ngân hàng, lực bán bán tháo diễn ra mạnh trong buổi chiều kéo hàng loạt mã giảm hết biên độ. Kết phiên, có tới 26/27 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM đóng cửa trong sắc đỏ với 20 mã mất hơn 5%. Mã duy nhất ngược dòng tăng giá là NVB (+0,3%) nhưng khối lượng giao dịch chỉ có vỏn vẹn hơn 11.100 đơn vị.
Dẫn đầu đà lao dốc của nhóm ngành ngân hàng là PGB của PGBank khi mã này giảm sàn 15% xuống còn 20.400 đồng/cp. Ba mã giao dịch trên UPCoM khác là NAB, BVB và VBB cũng giảm mạnh, mất lần lượt 10,6%, 10,3% và 8,3% giá trị trong phiên hôm nay.
Trên sàn HoSE, nhóm ngân hàng chứng kiến 6 mã giảm sàn, trắng bên mua là VIB, TCB, MSB, LPB, STB và OCB.
Về thanh khoản, STB là mã khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất ngành với hơn 22,5 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị 468,1 tỷ đồng. Đứng kế sau lần lượt là VPB (20,5 triệu cp), SHB (17 triệu cp), MBB (16,1 triệu cp), TCB (15,2 triệu cp), LPB (11 triệu cp),…
Mặt khác, phiên hôm nay ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn NVB với 3 triệu cp được sang tay tại mức giá tham chiếu 33.000 đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra nhộn nhịp tại TCB, MBB, STB, ACB,… với khối lượng hàng trăm nghìn đơn vị.
Phiên 13/5, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh tại STB (3,63 triệu cp) và VCB (630.000 cp); trong khi mua ròng tại CTG (2,83 triệu cp), HDB (516.000 cp), SHB (526.000 cp), BID (299.000 cp), …
4 ngân hàng lọt Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes
Thông tin tài chính đáng chú ý trong ngày hôm nay là 4 ngân hàng Việt Nam lọt Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes.
Theo Forbes, có 58 quốc gia sở hữu đại diện trong danh sách Global 2000 năm 2022. Trong đó, Mỹ tiếp tục là đất nước đứng đầu về số lượng doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu với 590 công ty, tiếp theo là Trung Quốc / Hồng Kông (351) và Nhật Bản (196).
Việt Nam có 5 đại diện lọt trong Top 2000 là Vietcombank (xếp hạng 950), VietinBank (xếp hạng 1.560), Tập đoàn Hòa Phát (xếp hạng 1.564), BIDV (xếp hạng 1.605), và Techcombank (xếp hạng 1.874).
Forbes cho biết việc xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới dựa trên 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường. Đơn vị này sử dụng số liệu tài chính của 12 tháng gần nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu.