Tài chính

Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Lên kế hoạch chi tiêu và kỷ luật tài chính (P.2)

    Lên kế hoạch chi tiêu ngay sau khi nhận lương

    Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Lên kế hoạch chi tiêu - Ảnh 1.

    Cần phân bổ chi tiêu ngay sau khi nhận lương


[Phần trước: Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm]

Để có hiệu quả nhất, hãy lên kế hoạch chi tiêu sau khi nhận lương, và trước đó bạn cần có sự phân bổ hoặc ghi chép chi tiêu.

Nếu là một người tuân thủ kỷ luật và có sự tỉ mỉ, bạn có thể thử các ứng dụng ghi chép chi tiêu hoặc chép tay, excel như khá nhiều bà nội trợ. Việc ghi chép chi tiêu này giúp bạn thấy mình đang âm ở khoản nào, là do mua sắm quá độ hay giải trí quá đà. Điều đó giúp bạn cân bằng hơn cho các kỳ lương sau.

Tuy nhiên, không phải ai cũng kỷ luật và tỉ mỉ được như thế, vì thế một phương pháp đơn giản hơn là chia trước các khoản phải chi hàng tháng, và dùng các khoản đó trong khoảng cho trước. Hiện tại một số app ngân hàng có giúp bạn gắn tag các khoản chi tiêu sau khi chuyển tiền, hoặc chia trước cho bạn các khoản chi tiêu vào các hũ chi tiêu phù hợp. Bạn cũng có thể thực hiện nó trên các tài khoản của bạn.

Ví dụ: Hũ chi tiêu cho ăn uống nói chung khoảng 50% thu nhập hàng tháng, mua sắm 10% – 20%, dự phòng 10%, tiết kiệm và đầu tư 20%.

Trở lại việc lên kế hoạch chi tiêu sau khi nhận lương, bạn sẽ cần thêm một ghi chép là tiền trả nợ, bao gồm cả sao kê thẻ tín dụng.

Nguyên tắc dòng tiền của tài chính cá nhân là luôn phải trả nợ trước. Dĩ nhiên, với các khoản nợ quá lớn thì bạn buộc phải tìm cách tách nhỏ nó ra trước (vay trả góp) hoặc tiết kiệm dần từng tháng nếu như trả nợ một lần vào cuối năm.

Sau khi trả nợ, bạn sẽ phân bổ dòng tiền vào các quỹ tương ứng với các dòng chi tiêu đã lên kế hoạch từ trước. Luôn nhớ rằng bạn sẽ cần một khoản tiền ở quỹ dự phòng, có thể để ở tài khoản thanh toán, tích luỹ hoặc tiết kiệm nhưng có thể rút ra bất cứ lúc nào để xử lý các việc khẩn cấp (hỏng hóc thiết bị làm việc, tai nạn, nhà có người ốm đau,…).

Sau đó, những điều bạn cần nghĩ về tài chính cá nhân trong tháng là tuân thủ kỷ luật chi tiêu.

    Kỷ luật tài chính

    Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Lên kế hoạch chi tiêu - Ảnh 2.

    Kỷ luật là điều rất quan trọng trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là tài chính cá nhân

       

Điều tạo ra khác biệt giữa người có hoạt động tài chính cá nhân lành mạnh và người có hoạt động tài chính cá nhân yếu chính là kỷ luật tài chính. Những người lành mạnh sẽ cố gắng để chi tiêu trong các kế hoạch cho trước và bớt những hành động chi tiêu theo cảm tính và ý thích.

Hãy đặt mục tiêu là lúc nào tài khoản chi tiêu cũng còn tiền vào cuối tháng, để luôn suy xét lại các khoản cần tiêu. Ngoài ra, đa số số tiền bạn tốn kém là do bạn chi tiêu theo cảm xúc, hãy ngừng cảm xúc và suy xét xem bạn có thật sự cần món đồ hay dịch vụ đó hay không. Và với các khoản chi hơi nhiều tiền chút, hãy cho bản thân vài ngày để suy nghĩ kỹ càng. Điều đó vừa hạn chế việc bạn mua sắm theo cảm tính, mà còn giúp bạn lý trí suy xét xem việc mua hàng đó có phù hợp điều kiện tài chính của bạn không.

Và thực sự thì kỷ luật trong bất cứ điều gì cũng là việc khó, nên để kỷ luật tài chính có hiệu quả cần sự nỗ lực rất lớn.

Nếu như có một lúc nào đó bạn cảm thấy mình đang mất dần kỷ luật, thì có một cách để nâng cao, đó là hãy nghĩ về những hậu quả đáng sợ nếu bạn không tuân thủ kỷ luật: hãy nhớ về các hoàn cảnh khi bạn rơi vào cảnh hết tiền ví dụ như phải cầm đồ để trả 1 món tiền gấp, đi xe khách từ quê lên Hà Nội mà hết tiền…

    Nguyên tắc dùng tiền khi khẩn cấp

    Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Lên kế hoạch chi tiêu - Ảnh 3.

    Cách phân phối các dòng tiền trong trường hợp thể hiện rõ độ lành mạnh trong tài chính cá nhân của bạn

       

Sau khi bạn đã giữ được kỷ luật rồi, thì hãy chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp. Bởi trên thực tế, những tình huống bất ngờ như thế thỉnh thoảng sẽ xảy ra. Khi tình huống bất ngờ xảy ra và bạn cần tiêu tiền thì chúng ta sẽ tiêu theo nguyên tắc: Đầu tiên là tiêu tiền ở tài khoản thanh toán, sau đó đến dự phòng, sau đó đến tiết kiệm, nếu thiếu nữa thì chúng ta sẽ cần phải bán tài sản ở lĩnh vực đầu tư đi để có tiền mặt lo liệu.

Nguyên tắc đó đảm bảo bạn sẽ hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về lãi của các khoản tiết kiệm và đầu tư. Và thực ra, nguyên tắc đó cũng tuân theo việc chúng ta sắp xếp việc thanh khoản của các loại quỹ này. Bởi vì dự phòng và tiết kiệm thì cùng lắm trong 1 ngày chúng ta sẽ cầm tiền trong tay, còn đầu tư thì tuỳ loại mà chúng ta cần bán đi và cần chờ hơn 1 ngày tới vài ngày, có khi là cả tuần để có người mua và nhận về tiền mặt.

Một kênh khác mà nhiều người sẽ hay huy động khi cần tiền gấp đó là vay bạn bè, người thân. Tuy nhiên, nếu xem bạn bè, người thân như là một dạng "nguồn vốn xã hội" của bạn, thì bạn nên coi đó là kênh cuối cùng để sử dụng. Bởi vì nguồn vốn thì bạn sử dụng nhiều sẽ hao hụt dần. Và hãy thử tưởng tượng xem, nếu như bạn còn rất nhiều tiền tiết kiệm, nhưng vẫn vay bạn bè để giải quyết vấn đề, tới lúc bạn bè biết được điều đó, họ sẽ nghĩ sao về bạn, và liệu lần tới, khi bạn gặp khó khăn, họ có còn sẵn lòng giúp bạn nữa không, hay sẽ nghĩ "À, bạn mình còn tiền mà cứ thích vay mình cho đỡ mất lãi tiết kiệm".

Sau khi đã lên kế hoạch các khoản chi tiêu và thực hiện kỷ luật cũng như sắp xếp các nguồn tiền, việc bạn cần làm tiếp theo của tài chính cá nhân chính là sắp xếp các kênh đầu tư phù hợp, hẹn gặp bạn lại vào kỳ tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm