Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.
Trong đó, về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ theo hướng:
- Tiếp tục bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua của Đề nghị xây dựng Luật[1]; rà soát kỹ lưỡng về thẩm quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản các thủ tục thực hiện, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự án Luật.
- Về thẩm quyền quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại: Báo cáo rõ và đề nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền này cho Chính phủ.
- Về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan: Thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan và nữ sĩ quan bằng nhau.
- Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thiện nội dung về điều kiện nghỉ hưu, bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, đồng thời phù hợp với đặc thù của sĩ quan Quân đội.
- Về nội dung[2] sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 46 và nội dung[3] bổ sung khoản 5 vào Điều 47 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về nhà ở: Thống nhất định hướng phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội; đặc biệt là lực lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp với đặc thù của Quân đội và khả năng của địa phương; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch…
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
[1] Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 06/07/2024.
[2] "2. Bộ Quốc phòng … chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện"
[3] Chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm "5. Bố trí quỹ đất và bàn giao cho Bộ Quốc phòng để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội".