Bộ Công Thương, Y tế “đá bóng” trách nhiệm
Trả lời Báo điện tử VTC News, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi phạm tội kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế nhiều bộ ngành, tổ chức sẽ cùng phải chịu trách nhiệm, ở những mức độ khác nhau.
Cụ thể, theo TS, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trước hết phải khẳng định sữa là thực phẩm và gắn với các chức năng về công thức thực phẩm.
“Vì thế, theo tôi trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Y tế. Bởi đã liên quan đến sức khỏe con người thì Bộ Y tế phải có thanh tra, hậu kiểm để đánh giá sản phẩm được sản xuất ra và doanh nghiệp tự công bố.
Theo quy định của Bộ Y tế, các sản phẩm phải đạt tối thiểu 70% trở lên hàm lượng giá trị dinh dưỡng đã được quy định, còn dưới 70% trở xuống thì bị coi là hàng giả. Vì thế, trách nhiệm trực tiếp và giải quyết vấn đề tận gốc đầu tiên phải thuộc về Bộ Y tế”, ông Thiệp nói.

Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô 500 tỷ đồng. (Ảnh: VTV)
Tuy nhiên, luật sư Thiệp nói thêm, Bộ Công Thương cũng phải là đơn vị chịu trách nhiệm liên đới vì bộ này có thể đề nghị, phối hợp với các cơ quan liên quan cùng tham gia kiểm soát.
“Quản lý thị trường có chức năng đánh giá trong quá trình lưu thông, hàng hóa có đáp ứng được yêu cầu về hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ hay không. Cơ quan này tuy không có chức năng đảm bảo chất lượng sản phẩm nhưng vẫn được yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng phối hợp với nhau để kiểm tra”, luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Y tế. Bởi đã liên quan đến sức khỏe con người thì Bộ Y tế phải có thanh tra, có hậu kiểm để đánh giá sản phẩm được sản xuất ra và doanh nghiệp tự công bố.
Luật sư Lê Văn Thiệp
Ngoài ra, ông Thiệp cho rằng các địa phương mà doanh nghiệp đứng chân, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phải liên đới trách nhiệm.
Đồng ý kiến ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cũng cho rằng, trách nhiệm trực tiếp trong vụ việc này là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
“Đây là đơn vị phải có trách nhiệm trong việc hậu kiểm, đánh giá chất lượng mà doanh nghiệp sản xuất đã công bố. Tuy nhiên, họ đã không thực hiện triệt để việc này, để doanh nghiệp đưa sản phẩm giả ra thị trường hơn 4 năm nay mà không được kiểm soát, để đến khi công an phát hiện vào cuộc thì vụ việc mới được phanh phui”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Không chỉ trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm mà theo ông Phú còn có trách nhiệm của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
“Đơn vị này phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông ngoài thị trường, không thể để sản phẩm sữa giả hoành hành suốt 4 năm trời mà không biết. Thậm chí, theo tôi lãnh đạo hai bộ Công Thương và Y tế cũng có trách nhiệm vì chưa sâu sát, chưa chỉ đạo một cách cụ thể, quyết liệt”, ông Phú nói.
Bên cạnh đó, theo ông Phú còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngay cả các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ và siêu thị khi đã vô tình tiếp tay cho hàng kém chất lượng tiếp cận người tiêu dùng.
"Các shop nhiệt tình tư vấn bán hàng cho những doanh nghiệp này có thể do chính sách chiết khấu cao, dao động từ 40 - 60%, chưa bao gồm các chương trình tặng quà tri ân khách hàng vào dịp cuối năm, lễ tết”, ông Phú dự đoán.
Trong khi đó, TS. luật sư Đặng Văn Cường phân tích, vụ việc này liên quan đến câu chuyện hậu kiểm và chịu trách nhiệm cho việc này là cơ quan y tế. Ngoài ra còn liên đới đến các đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có cả quản lý thị trường. Thông thường, 1 năm kiểm tra không quá 2 lần là kiểm tra thường kỳ theo kế hoạch và đột xuất. Quy trình kiểm tra sẽ có các loại: kiểm tra về nhãn mác, đối chiếu với thông tin công bố của sản phẩm, kiểm tra chất lượng, VSATTP, kiểm tra hồ sơ pháp lý, nguồn gốc, nguyên liệu, quá trình sản xuất và lấy mẫu nếu cần để kiểm nghiệm.
“Bây giờ vấn đề cần làm rõ là trong 4 năm qua, cơ quan chức năng là Chi cục An toàn thực phẩm có thực hiện hành vi lấy mẫu để kiểm nghiệm không và kết quả kiểm nghiệm như thế nào? Nếu kiểm tra chỉ có thông tin nhãn mác hồ sơ giấy tờ, thì rất khó để phát hiện chất lượng không đạt yêu cầu”, ông Cường đặt câu hỏi.

Một sản phẩm sữa giả được bán ngoài thị trường.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), việc quy trách nhiệm ở vụ việc sữa giả này vẫn phải từ khâu xin thành lập doanh nghiệp, rồi đến lúc doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, sau đó mới đến việc sản phẩm được bán ra thị trường.
“Nếu bây giờ Cục An toàn thực phẩm cấp phép thì phải xem xem là đã đủ thủ tục để cấp phép chưa, nếu đủ thủ tục rồi thì việc cấp phép là đúng, còn nếu chưa đủ mà vẫn cấp phép là sai.
Sau khi cấp phép xong rồi, doanh nghiệp đi vào hoạt động thì cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Nếu cơ quan chức năng địa phương kiểm tra đúng là hàng giả mà không ngăn chặn thì cơ quan địa phương phải chịu trách nhiệm.
Đến khi bán ra thị trường, nếu doanh nghiệp bán ra thị trường đúng mặt hàng đăng ký nhưng chất lượng thấp thì lúc này các cơ quan có chức năng kiểm định của Bộ Y tế hay cơ quan thị trường của bộ Công Thương không kiểm tra đôn đốc cũng phải chịu trách nhiệm vì không sát sao.
Do đó, theo tôi phải phân ra từng khâu, từng phần để dễ truy trách nhiệm từng cơ quan quản lý Nhà nước. Sai ở khâu nào thì cơ quan quản lý khâu đó phải chịu trách nhiệm”, ông Huân nói.
Gay gắt hơn, đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, gần 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua cho thấy những "lỗ hổng, khoảng trống" trong công tác quản lý và trong các văn bản pháp lý.
Theo ông Hoà, trên phương tiện thông tin đại chúng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nói chỉ quản lý đối với các loại sữa bình thường, còn sữa có vi chất thuộc thẩm quyền Bộ Y tế. Bộ Y tế phản biện, phải có trong kế hoạch kiểm tra… Việc này là hai cơ quan trên đang đá trách nhiệm cho nhau.
“Tôi cho rằng, cả hai cơ quan bao gồm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Tổng Cục Quản lý Thị trường vừa giải thể và Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phải chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, quản lý thị trường tỉnh, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Họ không thể đá trách nhiệm cho nhau”, ông Hoà nói.
Đặt vấn đề lớn hơn, đại biểu Hoà nhận định, không loại trừ khả năng có cán bộ của các đơn vị như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Tổng Cục Quản lý Thị trường vừa giải thể và Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chống lưng, có lợi ích trong vụ việc này.
Cơ quan điều tra cần khẩn trương điều tra, làm rõ xem có sự bảo kê, bắt tay của cán bộ hay không. Nếu có sự bắt tay thì cần phải xử lý hình sự, xử lý nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn trước pháp luật để ngăn chặn
Đại biểu Phạm Văn Hòa
“Nếu có hậu kiểm, kiểm tra thường xuyên thì sẽ không để xảy ra sự việc sản xuất, kinh doanh sữa giả suốt 4 năm trời hoặc có kiểm tra cũng theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, làm cho có, làm cho qua quýt rồi nhận phong bì của doanh nghiệp rồi về. Vì thế các cơ quan này đã không thử nghiệm chất lượng sữa bột khi doanh nghiệp đăng ký.
4 năm trời chứ không phải là một vài tháng mà sơ suất. Chỉ có thể có sự chống lưng, bảo kê của cơ quan chức năng thì doanh nghiệp mới làm càn, sản xuất sữa giả tràn lan như vậy. Cũng vì thế, chỉ đến khi Bộ Công an vào cuộc mới phanh phui ra vụ việc”, đại biểu Hoà nêu ý kiến.
Vì thế, đại biểu Hoà cho rằng, cơ quan điều tra cần khẩn trương điều tra, làm rõ xem có sự bảo kê, bắt tay của cán bộ hay không.
“Nếu có sự bắt tay thì cần phải xử lý hình sự, xử lý nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn trước pháp luật để ngăn chặn”, đại biểu Hoà nói.
Quá nhiều khoảng trống pháp lý, đẩy rủi ro về người tiêu dùng
Theo luật sư Đặng Văn Cường, thông thường có 2 hình thức quản lý là tiền kiểm và hậu kiểm. Tiền kiểm là kiểm tra hàng hoá trước khi đưa ra thị trường. Nhưng Nhà nước không thể đủ năng lực, đủ người kiểm tra tất cả hàng hóa trước khi lưu thông.
Vì thế, đối với các loại hàng hóa là thực phẩm, hiện nay vẫn áp dụng cơ chế quản lý "hậu kiểm", đơn vị sản xuất tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo nội dung đã công bố.
Cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nếu có.
Trong quá trình sản phẩm lưu hành bán ra thị trường, cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện ra chất lượng sản phẩm không đảm bảo theo tiêu chuẩn đã công bố thì đơn vị sản xuất sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy thuộc vào những vi phạm cụ thể.
Đây cũng là cách quản lý chung của các quốc gia hiện nay, để đảm bảo tự do kinh doanh, hàng hoá lưu thông, vì vậy hậu kiểm là chuyện tất yếu.
Tuy nhiên việc hậu kiểm đòi hỏi đạo đức của doanh nghiệp, doanh nhân của người sản xuất rất cao, trách nhiệm pháp lý rất cao, và họ phải nhận thức được. Trong khi vì lợi nhuận, đạo đức kém, có thể nhiều doanh nghiệp lại sẵn sàng sản xuất sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Và lúc đó khi hàng hóa được giao dịch, lưu hành, có người bị hại, có nạn nhân rồi thì cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý.
“Chính vì vậy việc 4 năm mới phát hiện ra hàng giả thì đấy là 1 lỗ hổng. Cần tăng cường hậu kiểm, tăng cường lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm bằng máy móc thiết bị chuyên dụng, có thế mới hạn chế được lỗ hổng này”, ông Cường nói.
Ông Cường phân tích thêm: Thường là Cục An toàn thực phẩm cấp phép một số loại. Tuy nhiên theo tôi cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong quá trình điều tra vụ án rằng quyền hạn, nhiệm vụ các đơn vị phải thực hiện là gì, thực tế họ có thực hiện nghiêm không? Thời điểm đó ai có trách nhiệm, cán bộ nào cá nhân nào có trách nhiệm?
“Về nguyên tắc luật đã quy định mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng gây hậu quả thì những người đó sẽ phải chịu hành vi thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, hiện quy định về kiểm nghiệm chưa rõ ràng. Do đó, nếu nghi ngờ hay phát hiện thì kiểm nghiệm, chứ chưa có quy định bất buộc phải lấy mẫu, bao lâu phải lấy mẫu hay ai phải lấy mẫu. Đó là điểm trống của pháp lý, vì vậy truy cứu trách nhiệm rất khó”, ông Cường nhấn mạnh và cũng gọi đó là lỗ hổng pháp lý.
Vì thế, ông Cường đề xuất phải có quy định là trong vòng 6 tháng hay là bao lâu thì cơ quan cụ thể nào sẽ phải thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm, nhằm xác định chất lượng hàng hoá đấy có được đúng như công bố không. Nếu kiểm tra chỉ có thông tin nhãn mác hồ sơ giấy tờ thì rất khó để phát hiện chất lượng và phải có các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng thì mới phát hiện ra.
Liên quan đến vụ sữa giả trị giá 500 tỷ đồng, Bộ Công Thương cho biết, Bộ không thực hiện việc cấp phép, quản lý các sản phẩm do Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Bộ chỉ có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt.
Còn Bộ Y tế thì lại nói việc quản lý an toàn thực phẩm hiện được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, do các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công Thương cùng UBND các cấp đảm trách.